Nguồn: Sưu tầm
Mỗi giai đoạn phát triển của bé đều được đánh dấu bằng những biểu hiện và khả năng rất đặc trưng.
1. 6 – 12 tháng tuổi là thời điểm nên cho bé “tạm biệt” với ti giả, bởi nếu tiếp tục dùng sẽ ảnh hưởng đến việc học nói và hàm răng của bé.
2. Tròn 3 tháng tuổi trở đi là lúc bắt đầu để bé ngủ một mình, nếu không bé sẽ khó thích nghi với việc phải ngủ giường riêng hoặc nằm ở phòng riêng lúc lớn hơn.
3. Thông thường, khoảng tháng thứ 6, bé bắt đầu mọc răng. Khi chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện, bạn nên đưa bé đến gặp nha sĩ để kiểm tra và có được sự tư vấn về chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ. Đừng đợi đến khi bé lớn hơn mới nghĩ đến việc này.
4. Bắt đầu từ tháng thứ 6, bạn có thể dạy bé từ vựng, số đếm, màu sắc và hình dáng của đồ vật. Bạn nên sử dụng những cuốn sách có hình vẽ to, màu sắc rực rỡ một chút và con vật sống động để giúp bé có hứng thú khi “học bài”. Ví dụ: khi dạy bé về màu vàng, bạn chỉ cho bé quả chuối; dạy về hình tròn thì minh họa bằng quả bóng…
5. Khi bé biết ngồi, bạn nên tăng cường cho bé chơi đùa với các bạn khác. Lợi ích của việc thường xuyên cho bé “giao lưu” lớn hơn nhiều những gì bạn nghĩ vì trong độ tuổi này, bé đã biết phối hợp với bạn khi chơi đồ chơi và bắt chước các động tác của bạn.
Vì vậy, để giúp bé thiết lập “tình bạn” bền chặt và hạn chế khả năng các bé tranh nhau đồ chơi, bạn nên chuẩn bị nhiều đồ chơi hơn một chút.
6. Từ tháng thứ 9 trở đi, khi bé bắt đầu tập đứng, tập đi, bạn có thể cho bé chơi xích đu với các anh chị lớn hơn (cần đảm bảo xích đu chỉ được đung đưa một cách nhẹ nhàng và luôn trong tầm kiểm soát của bạn).
Làm như vậy thì khi biết đi, bé đã có “phản ứng cân bằng” giúp bé điều chỉnh các cơ tay để duy trì sự cân bằng của cơ thể trong lúc di chuyển.
7. Trong khoảng tháng thứ 12 – 18, bé có thể chơi cầu trượt. Bởi khi bắt đầu học đi, bé đã có khả năng điều chỉnh tư thế để đạt độ cân bằng, điều này cho phép bé trượt xuống một cách an toàn.
8. Khi bé được 18 tháng tuổi, hãy mua cho con một chiếc xe ba bánh. Mặc dù chưa thể phối hợp tay chân để đạp và điều khiển xe nhưng chắc chắn bé sẽ rất vui khi được ngồi trên chiếc xe đạp và điều khiển tay lái. Đây là một trải nghiệm thực sự đối với bé đấy!
9. 18 tháng tuổi cũng là lúc bé có thể giúp bạn việc nhà, bắt đầu từ việc nhỏ như: dọn đồ chơi, lấy khăn ăn… Lớn hơn một chút nữa, bé có thể làm được nhiều việc hơn khi được mẹ nhờ vả.
10. 18 tháng tuổi, bé cũng được đổi sang dùng một chiếc cốc uống nước lớn hơn thay vì uống bằng một chiếc cốc bé tí xíu. Mẹ hãy chuẩn bị một mảnh vải thấm nước khi bé uống.
11. Khi bé được 2 tuổi, nên cho bé nuôi một con vật cưng. Ở độ tuổi này, cá vàng là loài vật phù hợp vì không gây nguy hiểm và tạo được hứng thú cho bé khi quan sát cá bơi. Đối với các vật nuôi khác như chó, mèo, hãy đợi đến khi bé được ít nhất 3 – 4 tuổi.
12. Bé được 3 tuổi là lúc mẹ có thể dạy con “xì mũi”. Trẻ nhỏ ở độ tuổi này thích bắt chước hành vi của người lớn nên nếu được dạy, bé sẽ nắm bắt rất nhanh đấy.
13. Ba tuổi cũng là dấu mốc bé bắt đầu chính thức tham gia các buổi “tiệc tùng” của trẻ nhỏ như phá cỗ Trung thu, tết Thiếu nhi… và rất nhiều hoạt động vui chơi với các trẻ nhỏ khác.
Hãy lưu ý luôn để bé trong tầm quan sát của bạn khi tham gia các hoạt động này, nếu không, cách tốt nhất là tổ chức những bữa tiệc vui chơi này trong nhà của bạn.
14. Lên 4 tuổi, bé có thể học cách buộc dây giày của mình.
15. Bốn tuổi cũng là lúc phù hợp để bé học bơi. Bạn nên cho bé đến bể bơi dành cho thiếu nhi để tham gia các khóa học.
16. Khi được 4 tuổi, bé có thể học cách trả lời điện thoại. Vì bé phát âm tương đối sõi và ngôn ngữ đã phát triển đến một mức nhất định, có thể khẳng định 100% rằng người gọi điện thoại sẽ nghe hiểu được bé nói gì.
17. Cuối cùng, một điều khá bất ngờ là bé có thể đi xe đạp 2 bánh khi được 4 tuổi, bởi phần lớn các bé ở độ tuổi này có đủ khả năng cân bằng cơ thể để tự đi xe đạp 2 bánh.