Hy Lạp – vùng đất của các vị thần (Phần I)

by Diep Nguyen

Bạn đã bao giờ mơ đến một ngày được chạm tay vào viên gạch của đền thờ Partheon? Đã bao giờ từng ước được cùng người mình yêu ngắm hoàng hôn tím buông dần xuống ngôi làng Oia? Đã bao giờ từng mong mỏi được pose hình bên những ngôi nhà trắng điểm xuyết bởi mái tròn và khung cửa xanh hòa cùng màu biển biếc ở một trong những hòn đảo trăng mật nổi tiếng nhất thế giới? Nếu câu trả lời là có, hãy lên kế hoạch từ bây giờ để có một chuyến đi hoàn hảo ở Hy Lạp.

Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại, là nguồn gốc của triết học phương Tây, của nền dân chủ và của thế vận hội Olympic. Nếu là người yêu thích lịch sử, có hứng thú với bảo tàng, di tích… bạn nhất định không thể không đến Athens. Còn nếu bạn đang chuẩn bị cho một chuyến trăng mật lãng mạn, đừng bỏ qua Santorini và Mykonos, đặc biệt là Mykonos.

Tùy thuộc vào khả năng tài chính và điều kiện về thời gian, phương tiện mà bạn có thể quyết định chuyến đi kéo dài bao lâu. Với gia đình có con nhỏ như nhà Tí Tũn, mục đích đi chủ yếu để thăm quan + nghỉ dưỡng thì 1 tuần là vừa đẹp. 1 tuần đủ để thăm quan các địa điểm chính mà không phải chạy đua với thời gian; vừa đủ để có giây phút thư thái nằm dài sưởi nắng, nhâm nhi ly cocktail và cũng vừa đủ để còn chút luyến tiếc và mong được gặp lại lần nữa.

Lịch trình của nhà Tí Tũn

07/05: 6h40 khởi hành từ Stockholm – Athens

08/05: 7h30 Athens – Santorini

11/05: 12h15 Santorini -Mykonos

13/05: 14h Mykonos – Athens

14/05: 12h40 Athens – Stockholm

Nhà Tí Tũn không thuộc tuyp thích bảo tàng và các công trình văn hóa nên chỉ ở Athens 1 thời gian ngắn. Nếu thich, bạn có thể ở thêm Athens 1 ngày nữa và rút ngắn thời gian ở Santorini lại.

Thời gian cao điểm của du lịch Hy Lạp là tháng 6 đến tháng 9. Trong khoảng thời gian này, nắng rất xanh và nước biển rất trong nên không cần máy ảnh xịn, bạn cũng có thể dễ dàng có được một tấm hình đẹp. Tuy nhiên kéo theo đó là vé máy bay, giá phòng khách sạn cao gấp 2 hoặc gấp 3, các nhà hàng nổi tiếng thường xuyên kín chỗ, khách du lịch đông đúc và ồn ào… Trong khi đó, tầm đầu tháng 5 thì trời nhiều mây mù, gió và lạnh => giải pháp cho bạn là: du lịch từ 15-31/5 khi thời tiết đã ấm dần lên, nhiều nắng nhưng không nóng và vẫn còn ít khách.

1. Di chuyển ở Hy Lạp

1.1  Athens

– Hiện có rất nhiều hãng hàng không có chuyến bay đến Athens, để kiểm tra thông tin bay, đối chiếu giá vé và thời gian, bạn có thể truy cập trang web http://momondo.com. Tuy nhiên 1 số hãng máy bay giá rẻ không thể check được trên momondo, ví dụ như Ryanair, Easyjet.. với những hãng này thì nên vào trực tiếp trang chủ để tìm. Từ Thụy Điển đến Hy Lạp, phổ biến nhất là 2 hãng Ryanair và Norwegianair. Ryanair chỉ có đường bay thẳng đến Thessaloniki – cách Athens 4 đến 6h đi bus hoặc train, thông tin giá vé bus/train và thời gian biểu, check tại đây . Trong khi đó, Norwegianair có đường bay thẳng đến sân bay quốc tế của Athens, giá vé tương đối rẻ nếu mua trước 2-3 tháng (nhà TT đã mua được vé khứ hồi cho 2 người lớn và 1 em bé với 2000kr – khoảng 6,6 triệu vnd), phục vụ khá ok và lại có cả wifi trên máy bay, giúp bạn giết thời gian rất hiệu quả.

– Mặc dù đường phố Athens gợi cho ta nhớ đến hình ảnh Sài Gòn những năm cuối thập niên 90: Nhà cao – thấp lô nhô với những khu chung cư cũ kỹ, quần áo xanh đỏ treo đầy ban công, tường nhà dán đầy quảng cáo và cả những dòng chữ giống như “Khoan cắt bê tông”… nhưng về hệ thống phương tiện công cộng thì có lẽ còn lâu SG mới đuổi kịp Athens (1 sự so sánh tương đối khập khiễng khi bản thân Hy Lạp đã là 1 nước phát triển  :mrgreen:  ). Bạn có thể sử dụng cả metro, bus, tram, suburban railway.. với giá tương đối rẻ. Với 1,4E/người, bạn có thể sử dụng tất cả các phương tiện công cộng trong 90 phút. Nếu đi lại nhiều trong ngày thì nên mua 1 day ticket giá 4E. Bạn được giảm 50% giá vé (không áp dụng cho 1 day ticket) nếu có thẻ sinh viên quốc tế hoặc dưới 18 tuổi, hoặc trên 65 tuổi. Vé có thể mua ở máy tự động với tiền xu hoặc ở quầy nếu chỉ có tiền giấy. Nhớ dập vé trước khi lên tàu. Mặc dù không có cửa kiểm soát như ở Thụy Điển, Hà Lan.. nhưng nếu bị phát hiện đi lậu vé, bạn sẽ bị phạt gấp 60 lần. Thông tin thêm về giá vé chi tiết, check tại đây

– Từ Athens airport về trung tâm: Sân bay Athens cách trung tâm 20km (12 dặm), để di chuyển, bạn có thể sử dụng: 24-hour express buses, metro, suburban railway hoặc taxi. Express buses giá vé 5E, giá giảm cho sinh viên còn 2,5E.Giá vé metro là 8E/người, group 2 người là 14E và group 3 người là 20; vé cho sinh viên giá 4E/người). Thời gian đi hết khoảng 45 phút. Ngoài ra, có thể đi taxi, giá chung từ trung tâm là 35E. Thông tin chi tiết check tại đây

– Taxi: là phương tiện được dùng phổ biến ở Athens với khoảng 14000 chiếc. Điểm đặc biệt lưu ý là: taxi ở Athens tương đối thân thiện nhưng không sử dụng đồng hồ km, bạn nên trả giá trước khi lên xe. Giá chung từ sân bay về trung tâm  (Syntagma Square) là 35E, từ trung tâm ra cảng là 15E, như vậy sẽ rất rẻ khi bạn đi nhóm 4 người và share với nhau. Nếu không ước đoán được khoảng cách giữa 2 địa điểm mình định đến, nên hỏi giá 2-3 taxi rồi quyết định. Giá taxi ban đêm có thể gấp đôi ban ngày.

– 1 vài điểm cần lưu ý: bạn có thể dễ dàng thuê ô tô/xe máy, miễn là có bằng lái và thẻ visa. Lái xe máy ở Athens không cần đội mũ bảo hiểm và lái xe ô tô không cần thắt dây an toàn  :mrgreen: (mình mới chứng kiến thôi, chưa thấy bác nào bị tuýt còi vì 2 lỗi trên cả). Mặc dù mình đã chuẩn bị tâm lý về việc có thể phải thay đổi kế hoạch/ hành trình do cảnh báo về đình công, về sửa chữa đường xá… nhưng rất may mọi thứ đều ổn cả. Người dân Hy Lạp thân thiện, dễ mến, nhiệt tình .. tạo cho mình cảm giác khá an toàn, không bất ổn như Rome hay Barcelona nên cũng không đến mức nơm nớp lo sợ mất hành lý/hộ chiếu. Nếu có đình công, lịch thay đổi giờ chạy của bus và metro cũng sẽ được thông báo trước 1-2 ngày, bạn nhớ kiểm tra nhé.

1.2 Santorini và Mykonos

– Tàu thuỷ (ferry): Nếu đi vào mùa cao điểm, bạn nên book trước vé tàu để chắc chắn hành trình được suôn sẻ. Có rất nhiều websites và các agency để bạn chọn. Tuy nhiên 1 số agency tính phí book rất cao (20-30€), 1 số website cho phép thanh toán trực tuyến bằng thẻ visa, sau khi book bạn sẽ nhận được code vé và có thể sử dụng code này để lấy vé tại các đại lý trước giờ tàu chạy ít nhất 30 phút. Khi book vé, bạn nhớ sử dụng thẻ visa của mình hoặc của người đi cùng, phòng trường hợp nhân viên phòng vé yêu cầu trình thẻ visa để đối chiếu. Gia đình mình book trước vé qua trang web này: http://www.petas.gr/  (không mất phí booking nhé)

– Tàu từ Athens <-> Santorini: có 2 dạng tàu nhanh và tàu chậm, vé dạng economic của tàu chậm là 37,5€, tổng thời gian đi khoảng 8 tiếng. Tàu nhanh giá cao gấp đôi. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể book vé tàu đêm (tàu rời Athens lúc 12h đêm và cập bến Santorini lúc 8h kém sáng hôm sau); ngắm bình minh trên biển cũng thú vị đấy chứ, phải không nào? Nhớ là cách 2-3 ngày mới có 1 chuyến tàu đêm nên cố gắng sắp xếp thời gian cho hợp lý nhé. Tàu từ Athens-Santorini có nhiều hạng vé, từ ghế ngồi giống trên máy bay đến phòng giường đôi, giường 4… Riêng mình thấy hạng economic rất ok. Ghế ngồi không đánh số nên bạn hãy cố gắng lên sớm để chọn được chỗ gần cửa sổ, gần chỗ phích cắm điện để sạc điện thoại/máy ảnh/laptop nếu cần.

– Tàu từ Santorini <-> Mykonos: Vé hạng economic giá 55€, thời gian di chuyển hết hơn 2h. Ghế ngồi có đánh số, trẻ em dưới 2 tuổi cũng có ghế riêng nhưng không mất tiền vé :)

– Phương tiện di chuyển ở Santorini: Chủ yếu là bus, taxi, lừa và căng hải. Nếu bạn book phòng ở Oia, phần lớn các hostel/hotel cung cấp dịch vụ đưa đón miễn phí từ sân bay và cảng. Nếu book phòng ở Fira (Thira) mà không được nhân viên khách sạn đến đón thì cũng đừng lo vì bus từ cảng về trung tâm chỉ 2,2€. Xe rộng, sạch sẽ và có khoang để hành lý bên dưới rất ổn. Điều đáng chú ý là: ngay khi lên bờ không nên tạt vào các agency ngay cạnh cảng để lấy bản đồ miễn phí và hỏi cách đi lại ở đảo vì nhân viên của agency sẽ tìm cách câu giờ, khiến bạn nhỡ bus và sau đó họ sẽ mời chào bằng dịch vụ shuttle bus của agency đó luôn. Nếu gặp trường hợp này thì đi bộ lên 1 đoạn và vẫy taxi, giá taxi về Fira là 15€. Nhanh chân tìm người có nhu cầu về Fira giống mình để share tiền taxi sẽ giúp bạn tiết kiệm được 1 khoản kha khá. Thời gian bus chạy được dán bảng thông báo ở ngay bus station trong trung tâm. Giá vé bus từ Fira đến Oia là 1,6€ còn taxi tầm 12-15€.

– Thuê xe: Giá thuê ô tô ở Santorini tầm 20-25€/ngày tuỳ loại. Thời điểm mình đi chưa vào mùa cao điểm nên 1 số cửa hàng còn offer giá 45€/3 ngày. Không biết vào mùa thì giá có cao hơn không. Nhớ mang theo bằng lái hoặc bản photo bằng lái để thuê xe nhé.

(Còn tiếp)

Hix, tạm xong vấn đề đi lại, hẹn các bạn ở phần II với thông tin về các địa điểm ăn/chơi/ngủ nghỉ ở Hy Lạp và 1 số tips cho gia đình du lịch cùng con nhỏ nhé!

Có thể bạn sẽ thích

Leave a Comment

css.php