480 ngày nghỉ chăm con và chế độ thai sản tuyệt vời ở Thụy Điển

by Diep Nguyen

Nếu bạn là độc giả quen thuộc của Blog Nhà Tí Tũn, hẳn bạn đã từng có thắc mắc: bố mẹ Tí Tũn làm nghề gì mà thấy đi chơi liên tục vậy? Bộ không phải đi làm hả? Công ty nào mà cho nhân viên nghỉ dài quá chừng, rồi nghỉ đi chơi vậy, tiền đâu mà trang trải chi phí du lịch nọ kia, blah blah…

Trung bình 1 năm đi 3 chuyến dài – mỗi chuyến đi từ 10 ngày đến 2 tuần đi các nước Châu Âu, chưa kể khoảng 5-7 chuyến cuối tuần loanh quanh Thuỵ Điển và các nước khu vực Scandinavia; cá biệt có năm nay nhà Tí Tũn làm nguyên 1 chuyến du xuân dọc miền Trung Việt Nam và 3 nước Châu Á kéo dài xuyên suốt 2,5 tháng. Tất cả thời gian nghỉ dưỡng đó đều nhờ vào chế độ thai sản đáng ghen tị và những chính sách ưu việt dành cho gia đình có trẻ nhỏ mà các cặp cha mẹ đang sinh sống ở Thuỵ Điển được hưởng. Nội dung của những chính sách này như thế nào, hãy để mẹ Tí Tũn điểm qua cùng bạn nhé

[toc]

1. Chế độ chăm sóc đặc biệt cho mẹ bầu ở Thuỵ Điển

Thay vì bỏ vài chục triệu để mua trọn gói chăm sóc thai sản, từ khám bầu đến sinh nở như ở bệnh viện Việt Nam; ở Thuỵ Điển, chi phí này bằng 0. Điều đó có nghĩa là khi bạn có bầu/hoặc nghi có bầu, toàn bộ chi phí xét nghiệm, thăm khám, siêu âm, tư vấn dinh dưỡng, các khoá học tiền sản hướng dẫn mẹ bầu sinh nở dễ dàng hơn cho đến tư vấn tâm lý- hướng dẫn cách nuôi và chăm sóc con nhỏ đều được chính phủ chi trả. Thậm chí nếu là người nước ngoài, không tự tin trao đổi các vấn đề sức khoẻ với midwife bằng tiếng Anh hay tiếng Thuỵ Điển – mẹ bầu có quyền thuê thông dịch viên – chi phí thuê thông dịch viên cũng do nhà nước chi trả toàn bộ.

Những mẹ bầu làm việc trong môi trường độc hại/nguy hiểm hoặc lao động nặng như làm việc ở công trường xây dựng được phép nghỉ đến 2 tháng trước ngày dự sinh và vẫn được hưởng tiền parental leave từ phía Sở bảo hiểm xã hội.

Tí Tũn tròn 24 tuần – Mẹ vẫn chưa bị lồi rún ^^!

Ngay cả đến khi sinh nở xong, mẹ và bé cũng được ở lại “khách sạn” bệnh viện thêm 2-3 ngày để bác sĩ tiện kiểm tra, thăm khám, hướng dẫn chăm sóc em bé  với chi phí 0 đồng cho cả phòng riêng, đồ dùng mẹ & bé, các bữa ăn trong ngày. Nếu bố muốn ở lại cùng mẹ con, cũng chỉ cần trả 1 mức phí tượng trưng rất thấp, khoảng 250kr/ngày cho giường ngủ và đồ ăn (tương đương 700k vnđ)
___________________________
Lưu ý: Đơn vị tiền tệ được đề cập trong bài viết là kronor (kr), 1 kr = 2600 vnd tại thời điểm tháng 5/2018
___________________________

Mẹ Tí Tũn đã kể lại rất chi tiết chuyện bầu bí ở Thuỵ Điển trong 2 bài viết này, bạn có thể tham khảo thêm nha:
Kể chuyện bầu ở Thuỵ Điển – Phần I

* Kể chuyện bầu ở Thuỵ Điển – Phần II

2. 480 ngày nghỉ chăm con kiểu Thuỵ Điển (parental leave)

Nếu như parental leave ở phần lớn các quốc gia trên thế giới chỉ từ 8-18 tuần thì ở Thuỵ Điển, con số này là 480 ngày có hưởng trợ cấp tính theo thu nhập, bao gồm: 390 ngày tính theo 80% lương hàng tháng (có mức trần) và 90 ngày ở mức thấp (180kr/ngày). Nếu bố/mẹ thất nghiệp – không có thu nhập, phần trợ cấp sẽ tính theo mức tối thiểu là 250kr/ngày, tương đương 7500kr/tháng chưa trừ thuế. Trong số 480 ngày đó, mỗi bố-mẹ bắt buộc phải lấy ít nhất 60 ngày, ví dụ: bố lấy 60 ngày, mẹ lấy 420 ngày hoặc bố lấy 60 ngày – mẹ 60 ngày, phần ngày còn lại thì chia nhau theo thoả thuận. Cũng nhờ chính sách nhân đạo này mà cả bố và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ tham gia vào việc chăm sóc con cái.

1 trong những điểm mấu chốt của Parental Leave kiểu Thuỵ Điển là: Bố mẹ không bắt buộc phải lấy toàn bộ 480 ngày ngay sau khi sinh con mà có thể để dành từ lúc bé mới sinh đến khi 8 tuổi và lấy bất cứ lúc nào trong khoản thời gian này (miễn là có đăng ký trước với công ty để sắp xếp lịch làm việc ổn thoả và báo cáo lên Sở bảo hiểm xã hội) đối với các bé sinh trước 01/01/2014. Còn đối với các bé sinh sau 01/01/2014, bố mẹ TĐ có thể sử dụng số ngày này trước khi con tròn 12 tuổi với 1 điều kiện ràng buộc: sau khi con tròn 4 tuổi (đến trước 12 tuổi), chỉ có thể sử dụng 96 ngày mà thôi (do chính phủ khuyến khích bố mẹ lấy 384 ngày trước khi con tròn 4 tuổi để đảm bảo bé có thời gian nhiều nhất bên bố mẹ trong giai đoạn quan trọng đầu đời)

Nói đến đây, chắc các bạn cũng đã hiểu tại sao bố mẹ TT có thể đi chơi liền 1 lúc 2 tháng rưỡi mà không lo lắng nhiều về chi phí, không sợ bị mất việc rồi chứ ạ?

3. Bình đẳng giới kiểu Thuỵ Điển

Đừng hỏi tại sao bố Thuỵ Điển lại đảm việc nước, giỏi việc nhà; bánh trái cũng biết làm mà thay bỉm, nấu bột cho con cũng siêu. Bố mẹ Thuỵ Điển thường phân công chăm sóc con theo lịch: 1 năm đầu mẹ ở nhà chăm bé, bé tròn 1 tuổi là lúc mẹ quay lại làm việc; còn bố thì xin nghỉ 6 tháng chăm con, đến khi con được 18 tháng thì cũng là lúc bắt đầu gửi đi nhà trẻ. 6 tháng ở nhà trui rèn tay nghề nuôi trẻ, chăm chỉ đưa con đến nhà văn hoá, open school múa hát với các bạn bé tí xíu, tham gia các group dành cho bố chăm con ở nhà… không ngạc nhiên khi phần lớn các bố Thuỵ Điển đều có thể đưa ra tư vấn về cách chăm con, xử lý tình huống khi con ốm/táo bón rất cừ 🙂

60 ngày bắt buộc nghỉ chăm con đối với mỗi bố/mẹ như đã đề cập ở phần 2, có thể coi là 1 chính sách nhân đạo bởi sự san sẻ công việc, trách nhiệm gia đình vừa giúp giảm bớt gánh nặng trên vai người mẹ, vừa tạo được sự đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau giữa 2 vợ chồng.

1 câu chuyện vui vui từ nhà Tí Tũn (nhưng dám cá rằng câu chuyện này rất quen thuộc với các gia đình Việt Nam): sau khi sinh, mẹ TT ở nhà chăm con 1 mình – bố TT vẫn đi làm như bình thường. Không 1 người giúp đỡ (giống như những mẹ Việt xa xứ khác), ngày ngày mẹ TT quay cuồng bơ phờ trong lịch ăn-ngủ-ị-tè của con cùng với đống việc nhà làm mãi không bao giờ thấy hết, chưa kể chợ búa – cơm nước cũng chẳng giao được vào tay ai. Đã vậy, TT có vấn đề về hệ tiêu hoá nên mỗi lần ăn là 1 lần nôn trớ như vòi rồng – ngày ăn 5 bữa thì 5 lần thay quần áo, ga gối (câu chuyện này đã được kể kỹ hơn trong bài viết Dị ứng sữa bò và những món đặc biệt cho bé bị dị ứng sữa). Đến khi than thở với chồng 1 câu: “Em mệt quá, em buồn ngủ quá”, chỉ nhận lại được 1 câu nghe rất điên: “Sao lúc con ngủ, em không tranh thủ ngủ luôn đi?”. Ahihi, đã vậy thì bố TT sẽ “được” tặng 4 tháng ở nhà “chơi” với con. Để đến khi bố TT than mệt vì lúc con ngủ phải tranh thủ chuẩn bị đồ ăn cho con, mang quần áo đi giặt, lau dọn đống con nôn trớ, mẹ TT chỉ buông nhẹ 1 câu: “Sao lúc con ngủ, anh không tranh thủ ngủ luôn đi?” 🙂

Thiết nghĩ mỗi ông bố cần có 1 khoản thời gian ở nhà chăm con như vậy để yêu thương và trân trọng vợ con hơn.

Mẹ đi làm, 2 bố con ở nhà dắt nhau đi cho vịt ăn

4. Miễn phí giáo dục ở Thuỵ Điển

Trong khi ở Việt Nam, các bố mẹ phải chi trả học phí từ 3tr-12tr/tháng nếu muốn con được học bằng phương pháp giáo dục mới như Montessori hay Reggio Emilia thì ở Thuỵ Điển, bất kể trường công hay tư, mức học phí của bé đều được tính dựa theo tổng thu nhập của gia đình với trần cao nhất là 1287kr/tháng tương đương 3 triệu 300 ngàn vnd. Khoản tiền này đã bao gồm học phí, tiền ăn sáng, trưa, 2 bữa xế, các hoạt động ngoại khoá theo lịch của nhà trường như: đi công viên, đi picnic trong rừng, đi xem phim ở rạp thiếu nhi.

Chưa hết, kể từ khi trẻ vào lớp 1 đến khi tốt nghiệp cấp 3, toàn bộ chi phí học, sách vở, ăn trưa ở trường đều được miễn phí. Các cấp học cao hơn như Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, chương trình miễn phí giáo dục cũng tiếp tục được áp dụng cho sinh viên Thuỵ Điển và sinh viên đến từ khu vực EU.

Giáo dục được miễn phí, sinh viên đi học được nhà nước trợ cấp 1 khoản (không hoàn lại) khoảng 3000kr/tháng tuỳ hoàn cảnh gia đình (có con hay chưa có con) và tuỳ chương trình học; cộng với việc được vay tiền trang trải sinh hoạt phí với lãi suất gần như bằng 0 (chính xác hơn là 0,13%/năm) nên việc tính toán chi phí nuôi con, chi phí cho con đi học không phải là mối lo của các bố mẹ Thuỵ Điển.

5. Trợ cấp hàng tháng cho trẻ

Đi học đã chẳng mất tiền, trẻ con ở Thuỵ Điển còn được chính phủ tặng thêm mỗi bé 1 khoản khoảng 1250kr/tháng (tương đương 3tr250 k vnđ) để các cháu mua đồ chơi, quần áo. Nếu nhà có 2 bé, bạn không chỉ được gấp đôi khoản tiền này mà còn được thêm 1 tí chút gọi là “hỗ trợ gia đình đông con”, ví dụ, nhà có 2 bé thì tổng trợ cấp nhận được là: 1250kr*2 + 150kr tiền hỗ trợ đông con = 2650kr 😛

Mùa hè, chúng mình ra ruộng hái dâu tây

6. Vård av barn (VAB) – Nghỉ chăm con ốm

Theo website của Sở bảo hiểm xã hội, các bố mẹ ở Thuỵ Điển có thể đăng ký sử dụng ngày VAB – nghỉ việc ở nhà chăm con ốm có trợ cấp từ khi bé 8 tháng tuổi đến khi tròn 12 tuổi. Tuỳ 1 số trường hợp đặc biệt, bố mẹ có thể hưởng trợ cấp VAB dù cho bé nhỏ hơn 8 tháng hoặc đã lớn hơn 12 tuổi. Phần trợ cấp này được tính bằng 80% lương (có mức trần giới hạn). Việc nghỉ làm dạng VAB này được áp dụng cho cả trường hợp con ốm phải nghỉ ở nhà đến việc nghỉ đưa con đi khám bác sĩ/khám sức khoẻ định kỳ/khám nha sĩ/ở nhà với trẻ có vấn đề về tâm lý/trẻ nghỉ học vì cô giáo ốm. Riêng với VAB, bố mẹ Thuỵ Điển được phép đăng ký tối đa là 120 ngày/năm. Với trẻ lớn hơn, từ 12 đến 15 tuổi thì mới cần có giấy chứng nhận của bác sĩ.

Ngoài ra, với những bé bệnh lâu hơn 6 tháng, hoặc bị khuyết tật, bố mẹ cũng được nhận 1 khoản trợ cấp thêm cho đến khi con tròn 19 tuổi.

Như vậy, bên cạnh 480 ngày nghỉ chăm con như đã đề cập ở phần 2, mỗi năm bố mẹ TĐ có thêm tối đa 120 ngày nghỉ ở nhà nếu con ốm, và tất nhiên, 1 khi đã đăng ký parental leave hoặc VAB thì bé phải ở nhà cùng bố mẹ.

7. Chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em gần như miễn phí – chính sách y tế của Thuỵ Điển

Chăm sóc sức khoẻ, bao gồm cả chăm sóc răng miệng cho trẻ gần như là miễn phí cho đến khi trẻ tròn 20 tuổi (ở 1 số tỉnh -county, con số này là 21). Ngoài ra, do khí hậu lạnh và 1 mùa đông dài gần như không có ánh mặt trời nên trẻ sơ sinh được dùng miễn phí Vitamin D cho đến khi tròn 2 tuổi. Thuốc mua theo đơn của bác sĩ cho trẻ em cũng gần như miễn phí (trừ 1 số loại thuốc đặc biệt không nằm trong danh mục ưu tiên).

Từ 20 tuổi trở đi, mỗi lần khám bác sĩ, công dân sống ở Thuỵ Điển (không phân biệt có hay không có quốc tịch, chỉ cần thuộc diện được cover bởi Swedish social insurance) thì mỗi lần đi khám bác sĩ chỉ phải trả từ 200-350kr với bác sĩ thường và 400kr với chuyên gia (mức phí có thể thay đổi theo khu vực sinh sống). Tuy nhiên, nếu tổng tiền khám của bạn đã chạm mức 1100kr/năm thì trong thời gian còn lại của năm, bạn sẽ được khám miễn phí.

Vậy đó, thuế thu nhập ở Thuỵ Điển thực sự cao so với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới với mức thuế lên đến trên 30% (con số này tiếp tục tăng cao hơn nữa với người có thu nhập cao), nhưng người dân Thuỵ Điển vẫn sẵn lòng đóng thuế bởi họ hiểu rõ 1 đồng thuế họ đóng sẽ đi về đâu, mang lại giá trị gì cho gia đình họ nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung. Và chỉ ngần ấy lý do cũng đủ để kết luận rằng: Sweden is one of the best countries in the world to be a parent

________________________________________________________

Chính sách nghỉ ốm và các chế độ khác cho người lao động  ở Thuỵ Điển, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn ở bài viết lần sau, đừng quên nhất LIKE và FOLLOW Blog Nhà Tí Tũn hoặc FOLLOW facebook Diep Nguyen để update những thông tin mới nhất nhé các bạn 

Có thể bạn sẽ thích

4 comments

Phương 19/03/2019 - 12:06

Nếu như e ở việt nam qua đó đi lao động thì e có thể mang thai và nhận các chế độ như người công dân thuỵ điển không ạ?

Reply
Avatar photo
Diep Nguyen 10/04/2019 - 14:57

Được em nhé 🙂

Reply
Xuan 01/05/2019 - 14:42

Nếu đag mag thai và đi du lịch tới TĐ thì sinh vậy có dc hưởng 9 sách ko ah

Reply
Avatar photo
Diep Nguyen 07/05/2019 - 01:04

Chính sách chỉ áp dụng cho người đang ở Thuỵ Điển. Bạn sang du lịch dưới dạng visa du lịch thì không được hưởng các chế độ như trên đâu nha!

Reply

Leave a Comment

css.php