Bí kíp du lịch tự túc Thổ Nhĩ Kỳ – ngon, bổ, chất lượng

by Diep Nguyen

Với sức hút khó cưỡng từ nền văn hoá đặc sắc, giao hoà của 2 lục địa Á Âu cùng tám ngàn dặm đường bờ biển lấp lánh xanh biếc, Thổ Nhĩ Kỳ – trái tim của đế chế Ottoman 1 thời – luôn nằm trong danh sách những địa điểm mình muốn đến, phải đến. Nhưng rồi cứ chần chừ mãi 5-6 lần, mình vẫn chưa quyết định đặt vé để lên đường.

Du lịch cùng con nhỏ – mình đặt vấn đề AN TOÀN lên trên hết nên có phần hơi e ngại: Liệu có an toàn không khi đến 1 quốc gia mà 98% dân số là người Hồi Giáo, nơi mà phần lớn đất nước đặt dưới tình trạng cảnh báo NO TRAVEL? chưa kể thỉnh thoảng lại thấy vài tin ngắn về tình hình chiến sự ở biên giới Thổ với Syria, khủng bố, etc… Ấy là cả nỗi băn khoăn về những món ăn truyền thống nặng mùi gia vị, rồi câu chuyện nghe đâu đó về những vị du khách gà mờ bị lừa lọc bởi những anh bán hàng người Thổ tinh ranh…

Thế rồi 1 ngày đầu tháng 6, chúng mình quyết định lên đường sau khi nhận được nguồn động viên lớn từ cậu bạn đồng nghiệp Afghanistan- người từng sống 1 thời gian dài ở Istanbul. Mình đi, để xoá bỏ định kiến về đất nước và con người nơi đây.

[toc]

1. Vài điều về Thổ Nhĩ Kỳ – Du lịch Thổ có an toàn không?

Ở thời điểm hiện tại thì du lịch Thổ Nhĩ Kỳ được coi là tương đối an toàn. Khủng bố từng xảy ra vài năm trước nhưng nếu bạn chỉ đi loanh quanh các thành phố du lịch như Istanbul, Cappadocia, Antalya thì không có gì phải lo lắng cả. 1 số khu vực phía đông nam dưới biên giới giáp Syria như Sirnak, Mardin, Sanliurfa, Gaziantep, Kilis và Hatay, cũng như Tunceli và Hakari hiện nay vẫn đặt dưới cảnh báo nên bạn không nên đưa vào lịch trình của mình (trừ khi bạn là nhà báo chiến trường hoặc thích du lịch mạo hiểm)

Mặc dù bị cảnh báo nhiều về trộm cướp, lừa đảo trước khi đi nhưng có lẽ do chuẩn bị kỹ lưỡng + 1 chút may mắn nên nhà mình không gặp 1 trường hợp nào đáng tiếc cả. Người dân 2 vùng Istanbul và Cappadocia mình đi qua đều rất nồng hậu, vui vẻ, thân thiện, lại nhiệt tình giúp đỡ. Nói chung, Istanbul đông dân, đông khách du lịch nhưng không đem lại cho mình cảm giác bất an như khi mình đến Rome hoặc Paris. Vậy nên bạn cũng đừng lo lắng quá nhé 😉

2. Thời điểm đẹp nhất đi Thổ Nhĩ Kỳ

Mặc dù được coi là 1 điểm du lịch mùa hè nổi tiếng, nhưng thật ra bạn có thể đến Thổ Nhĩ Kỳ quanh năm. Trải nghiệm tuyết rơi ở phần lớn đất nước vào mùa đông cũng thú vị không kém, nhất là khi bạn được ngắm những chiếc khinh khí cầu nổi tiếng vùng Cappadocia với sắc màu cầu vồng nổi bật trên nền tuyết trắng. Tuy nhiên nếu được chọn, mình sẽ lên kế hoạch để đến Thổ Nhĩ Kỳ từ khoảng tháng 4 đến tháng 6 hoặc tháng 9 đến tháng 10 do thời tiết có phần dễ chịu, ôn hoà. Lượng gió ổn định nên cơ hội được ngắm/bay với khinh khí cầu của bạn cũng sẽ rất cao

Bạn có thể theo dõi kinh nghiệm với Hot air balloon cùng album ảnh từ toàn bộ chuyến đi của mình ở đây nha:
https://bit.ly/2XuKmmg

Giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 thường sẽ rất nóng, nhiệt độ có thể lên đến hơn 40 độ; phù hợp cho chuyến đi biển vùng Antalya nhưng nếu để khám phá các thung lũng ở Cappadocia thì sẽ rất mệt và nhanh mất sức. Từ tháng 10 đến tháng 3, nhiệt độ có thể hạ xuống dưới 0, tuyết phủ trắng nhiều vùng nên nhiều khách sạn đóng cửa. Nhiều người thích chọn thời điểm này do giá khách sạn, tour đều thấp hơn đáng kể, lại tránh được lượng đông khách du lịch. Tuy nhiên cũng cần lưu ý: Gió và lạnh quá thì khinh khí cầu cũng không được phép bay 😉

Çavuşin Village

3. Lịch trình Cappadocia- Istanbul 1 tuần

Ngày 1: Bay Stockholm – Istanbul – Kayseri airport (Cappadocia). đón xe shuttle bus (nhờ khách sạn đặt) về Explorer Cave Hotel

Ngày 2:

  • Dậy sớm (5h kém) chụp ảnh khinh khí cầu ở terrace lúc bình minh rồi về ngủ thêm 1 chút giữ sức sau 1 chuyến bay dài
  • Tham quan tiệm bán thảm Galerie Ikman
  • Lang thang thăm thị trấn Göreme

Ngày 3:

  • 4h30 xe tour đón đi Hot Air Balloon tour
  • 10h đi Red tour
  • 17h đi ATV tour

Ngày 4:

  • Bay Kayseri – Istanbul, đi Havabus về Taksim, check in khách sạn T-Square Residence
  • Dạo quanh khu vực Taksim Square, đi dọc con đường nhộn nhịp Istiklal Caddesi ra Galata Tower. (dọc 2 bên đường có nhiều ngõ nhỏ rất xinh)
  • Ăn tối ở Bilice kebap

Ngày 5:

  • Ăn sáng, uống trà/cafe ở tiệm Hafiz Mustafa
  • Grand Bazaar
  • Sultanahmet Square, Blue Mosque, Hagia Sophia
  • Topkapi Palace (Optional)
  • Ăn tối ở Seven Hills Restaurant

Ngày 6:

  • Turkish Hamam
  • Spice Bazaar
  • Sunset Cruise over Bosporus
  • Ăn tối ở Roof Mezze 360

Ngày 7:

  • Dành cả ngày lang thang khu phố cổ Balat & Fener với những góc phố nhiều màu sắc, những quán cafe bé xinh, nhâm nhi mấy thứ quà bánh địa phương

Ngày 8: Check out, lên đường về nước 😛

Lưu ý: Lịch trình ở Cappadocia tương đối dày, cộng với thời gian bay nguyên cả ngày đầu khiến nhà mình tương đối mất sức. Vì thế mà về đến Istanbul, nhà mình chủ yếu đi lang thang, la cà quán xá (đúng kiểu nghỉ dưỡng) chứ không có mục đích check-in nhiều điểm. Toàn bộ những điểm đã ghi trong lịch trình Istanbul có thể gói gọn trong 2 ngày do các điểm tương đối gần nhau (với điều kiện trẻ, khoẻ, gọi taxi để tiết kiệm thời gian)

4. Khách sạn Cappadocia và Istanbul

4.1 Khách sạn ở Cappadocia

Khách du lịch đến Cappadocia phần lớn để ngắm khinh khí cầu nên thường tập trung ở Göreme – thủ phủ của Cappadocia- nơi thuận tiện nhất cho việc ngắm khinh khí cầu từ các ban công khách sạn, đi tour, ăn uống, thuê xe cộ, etc.

1 bức ảnh đẹp là tổng hoà của nhiều yếu tố: góc nhìn đẹp, hướng ánh sáng đẹp, set-up đạo cụ ổn. Do vậy mà hầu hết các khách sạn ở Cappadocia xây dựng trong các hang động, nhưng không phải khách sạn nào cũng thu hút được đông khách du lịch. Được giới instagramers và travelbloggers biết đến nhiều nhất phải kể đến những cái tên như: Sultan Cave Suites, Hidden Cave hotel, Museum Hotel, Mirtha Cave Hotel… Điểm chung của các ks này là view tuyệt đẹp, lại được nhân viên khách sạn set-up hoa quả, rượu trà có vẻ luxury nên chụp auto đẹp. Tất nhiên, ai cũng nhìn được những điều ấy nên các khách sạn này luôn trong tình trạng hết phòng. Sáng sớm thì ban công chật ních người với người xếp hàng chờ đến lượt chụp (không đến nỗi đông như cổng trời ở Bali nhưng cũng không được thoải mái gì hết). Đông thế nào thì bạn có thể xem thêm clip mình quay ban công của Mithra Cave Hotel: https://bit.ly/2XuKmmg

Tình cờ mình lại tìm được Explorer Cave hotel – hàng xóm của Mithra Cave hotel. So với Mithra thì view từ ks này cũng phải một 8, một 10. Giá lại chỉ bằng 1/3. Mặc dù không có set-up bàn rượu lung linh nhưng đống thảm ngồi ở terrace lên ảnh trông cũng khá lung linh (như bức ảnh đầu bài viết)

Bên cạnh dịch vụ ổn, chu đáo, bạn còn có thể nhờ khách sạn đặt xe đón từ sân bay. Có 2 loại: group shuttle và private. Nếu đi group shuttle thì từ sân bay Kayseri đến khách sạn hết khoảng 1,5h với giá 8€/người lớn/1 chiều, trẻ em miễn phí, thanh toán cho lễ tân khách sạn khi bạn check-out. Còn private transfer thì 60€ từ Nevsehir airport và 70€ từ Kayseri airport với khoảng 50 phút di chuyển.

Tin mình đi, đây là 1 cái giá rất hời, vì mấy bạn mình gặp trong chuyến này toàn phải trả đến 20€/người dù đi xe ghép 🙂

Nếu đã định book khách sạn thì bạn có thể dùng link dưới đây để được giảm ngay 15€ nhé:
https://www.booking.com/s/35_6/fb122493
Hoặc book phòng qua Airbnb với Link đăng ký giảm 40$ cho lần đặt phòng đầu tiên của bạn:
https://www.airbnb.com/c/newu814024

Ngoài ra, Agoda cũng thường xuyên có các deals giảm giá hấp dẫn, bạn nhớ để ý nha 😉

4.2 Khách sạn ở Istanbul

Khách sạn ở Istanbul thì cực nhiều tầm giá, nhiều lựa chọn. Mình chọn 1 khách sạn nhỏ có tên T-Square Residence ở ngay gần khu Taksim, vừa tiện ăn uống mua sắm, lại tiện đi lại.

Điểm cộng của khách sạn này là:

  • Giá hợp lý
  • Phòng sạch sẽ
  • Có đủ hết các đồ dùng cần thiết.
  • 1 vài đồ dùng bếp thiết yếu nên nếu bạn muốn tự chuẩn bị bữa sáng, hâm nóng đồ ăn, pha cafe này nọ thì rất ok
  • Wifi mạnh 😛
  • Gần bến xe bus của Havabus (xe bus đi thẳng ra sân bay)
  • Chỉ cách bến metro khoảng hơn 300m

Điểm trừ:

  • Nhân viên rất nhiệt tình nhưng không thông thạo tiếng Anh nên hơi bị khó hỏi thông tin

5. Ăn gì ở Istanbul

Nếu bạn là dân mê ăn uống, mê thưởng thức ẩm thực địa phương (như nhà Tí Tũn) thì phần này viết riêng dành tặng bạn 😀

Trước khi đi Thổ, mình cũng có chút lo lắng vì “nghe nói” bên ấy ăn toàn thịt cừu, dùng nhiều gia vị nặng và khó ăn lắm lắm. Bố TT thì đã lâu không ăn thịt, mình không ăn gia vị nặng mùi nên cũng hơi ớn ớn. Chưa kể đồ ăn ở Cappadocia chả ngon lành gì cho cam, đâm ra cũng hơi bị hụt hẫng. Thế nhưng mà nhà mình nhầm TO các cậu ạ 😀
Phải nói Istanbul là thiên đường cho lũ thích la cà quán xá như nhà mình. Dân nghiền thịt, dân thích cá hay dân chỉ ăn chay – đều có thể tìm được những món hợp khẩu vị và túi tiền – miễn là các bạn biết tìm đúng chỗ.

1 số loại gia vị phổ biến trong món ăn của Thổ

Sáng mở mắt là phải chạy ra hàng cafe làm 1 ly trà táo với miếng bánh (mình chịu, không uống nổi cafe Thổ nhưng trà táo, trà lựu thì lại thơm ngon đặc biệt). Lang thang phố xá tí rồi lại xà vào hàng bánh mỳ cá ăn 1 bữa trưa nhanh nhanh. Bánh mỳ cá ở đây không tẩm ướp gì cầu kỳ, chỉ là phi lê nửa con cá nướng tươi rói, ghém cùng chút salad bắp cải, rắc chút muối cho đậm đà rồi vắt vài giọt chanh vào cho cân bằng vị. Rẻ và ngon không tưởng (Quán mình tình cờ tìm thấy ở gần chợ gia vị bán có 8 lira/cái (khoảng 1,5€). Ăn xong lại ngó nghiêng mấy con ngõ bé xíu, mua mấy tấm postcard gửi về nhà (postcard ở Istanbul dễ thương hơn tất thảy những chỗ mình đã đi qua, lại còn rẻ ơi là rẻ nữa). Xà vào mấy hàng bán đồ kẹo ngọt truyền thống của Thổ (gọi là Turkish delight), ăn thử mỗi thứ 1 tí thôi mà cũng no căng cả rún. Chiều muộn lại tìm 1 nhà hàng Rooftop để vừa ăn, vừa ngắm hoàng hôn dần buông xuống thành phố. 

Hàng nào ngon thì mình cũng save lại hết cả đây rồi, dưới đây là review ngắn gọn nhé:

5.1 Đắt nhưng đáng:

  • Seven Hills Restaurant: Sau nguyên 1 buổi chiều lang thang Hagia Sophia và Blue Mosque mà không chụp đc tấm nào tử tế nên cả nhà rủ nhau lên Seven Hills restaurant. Nghe nói chỗ này là điểm đẹp nhất với view 360 độ, ngắm được Hagia Sophia lẫn Blue Mosque. Chỉ định là còn nước, còn tát, còn vớt vát, xem view vủng thế nào thôi mà leo lên đến nơi, chốt hạ luôn 1 bàn, không có ý định đi đâu thêm nữa bởi đã tìm thấy cái VIEW mình yêu nhất đời rồi. Giá đồ ăn có hơi mắc hơn so với  các nhà hàng khác (nhưng đồ ăn ở Thổ rẻ mừ, chơi bời đi đừng lăn tăn nhiều các bợn ạ). View thì 1 mặt nhìn ra Hagia Sophia, 1 mặt ra Blue Mosque, 1 mặt  hướng biển và ngõ nhỏ phố nhỏ. Nói chung là KHÔNG THỂ BỎ QUA!
Seven Hills restaurant
  • Roof Mezze 360: cũng là 1 nhà hàng Roof top khác – View kém hơn 1 xíu nhưng đồ ăn ngon hơn hẳn nhé. Nhà hàng này nằm phía trên 1 khách sạn, biển treo không lớn nên bạn có thể đi qua nó mà không nhận ra. Có chỗ ngồi trong nhà và ngoài sân thượng, nên book trước nếu muốn có chỗ ngồi view đẹp.

5.2 Không đắt mà ngon ra trò:

  • Emin Usta Balicisi: Hàng này đến vì được bạn giới thiệu, chỉ bán mỗi sandwich cá, ổn phết chứ không đùa.
  • Bilice kebap: tính ra thì ko rẻ nhưng nên thử. Gọi nguyên 1 mâm lên có mỗi thứ 1 tí, gói ghém cùng bánh mì. Ăn xong nhớ ktra trên tường xem có tờ Việt Nam đồng nào do nhà Tí Tũn để lại không nhá

3. Turkish delight & Cafe:

  • Turkish delight hay còn gọi là Lokum- là món kẹo truyền thống của Thổ Nhĩ KỳMón này có thể tìm mua ở chợ gia vị, chợ Grand Bazaar và khắp nơi trong thành phố lẫn sân bay. Mình có thử nhiều hàng nhưng thấy ngon nhất là Hafiz Mustafa (rất đông các bạn đi tour vào mua về làm quà) và Koska (rẻ hơn bên Hafiz 1 chút). Loại kẹo hạt hình tổ chim thì có vẻ ngon hơn loại kẹo dẻo.
  • Riêng Hafiz Mustafa luôn nằm ở vị trí đắc địa, có bán cả cafe, trà và bánh ngọt. Vừa ngon, vừa rẻ (khoảng 2-4€/miếng bánh ngọt to vật vã) nên mình cũng ghé qua đến 2 lần – sơ sơ cũng thử đến 4-5 loại bánh, hihi. 

6. Mua gì khi đi Thổ?

  • Kẹo Lokum – tất nhiên rồi
  • Trà thảo mộc các loại: Mình có mua về 1 số loại trà như: trà lựu, trà táo, trà detox, trà hoa hồng.. tất cả đều rất thơm ngon.
  • Gia vị các loại, có cả loại mix sẵn để ướp cá nướng, thịt nướng
  • Thảm ở Istanbul đẹp và chất thật sự. Mình tìm được 1 tấm đan từ sợi tre, mềm mịn mà giá lại rất yêu (ở Thuỵ Điển mà muốn mua 1 tấm có chất lượng tương đương, khéo giá phải gấp 3 lần). Bạn có thể mua thảm về trang trí tường, lát sàn nếu muốn.
  • Đá xanh mắt quỷ (Nazar) để trừ tà, mang lại may mắn
  • Đồ gốm đủ sắc màu
  • Postcard (đã xinh yêu, chất giấy lại cũng bị đẹp nữa ấy)
Kẹo Lokum – mấy loại kẹo hạt hình tổ chim kia ngon lắm nhé!

7. Tips tiết kiệm thông minh khi đi du lịch Thổ

  • Đổi tiền Euro/USD ở các cửa hàng bán vàng, ngoại tệ của dân địa phương được giá hơn nhiều so với quầy ngoại tệ ở sân bay. Rút tiền từ thẻ ATM bị tính tỷ giá rất thiệt ấy 🙁
  • Taxi ở Istanbul rẻ, dễ đi nhưng phần lớn lái xe khá cà chớn, không bật đồng hồ km hoặc có bật thì cũng đi đường vòng. Tốt nhất nên lên lịch trình sẵn rồi hỏi luôn nhân viên khách sạn về giá taxi từ điểm A đến B, C . Đây là bảng giá taxi chung chung từ năm 2018 do chủ ks mình ở share lại (giá năm nay có tăng 1 chút nhưng không đáng kể). Bạn có thể căn cứ vào đó để biết độ dài quãng đường mà mặc cả nhé.
  • Cách rẻ nhất để di chuyển trong nội đô Istanbul là dùng Istanbulkart – loại thẻ dùng cho hầu hết các loại phương tiện công cộng như xe bus, tram, metro, tàu ferry công cộng (lưu ý, có nhiều loại ferry). Thẻ này có thể mua được ở hầu hết các kiosk tạp hoá xung quanh khu du lịch (để ý biển Istanbulkart) hoặc mua ở các máy bán vé tự động trước cửa các ga tàu, bến bus. 1 thẻ có thể dùng cho nhiều người 1 lúc nên chỉ cần mua 1 thẻ rồi nạp dần tiền vào thôi. Thông tin thêm về thẻ bạn có thể tìm thấy ở đây: http://www.turkeytraveljournal.com/istanbulkart/
  • 1 trải nghiệm không nên bỏ lỡ là TẮM KIỂU THỔ (Haman), tiếc là vé vào thì không rẻ chút nào. Tuy nhiên, mình có tìm được 1 nơi tắm truyền thống giá cực mềm mà lại được rate khá cao, xây dựng từ thế kỷ 17 có tên Cinili Turkish Bath. Nhà mình có em bé nhỏ đi cùng, thời gian có hạn nên không tìm được nơi có tắm truyền thống cho phụ nữ, đàn ông mà lại có cả dịch vụ cho bé trai dưới 6 tuổi nên mình không có cơ hội thử, đáng tiếc!
  • Vận dụng hết khả năng mặc cả khi đi các chợ Bazaar! Cứ trả từ 1/3 rồi nhích dần lên nhé. Tất nhiên là mặc cả trong ôn hoà và vui vẻ thôi, cũng coi như 1 trải nghiệm du lịch ý mà 🙂
  • Chọn đồ ăn/uống địa phương thay vì các brand nước ngoài. Đừng đến Istanbul để uống Starbucks, plzzzz! Cũng đừng cố tìm mấy quán Hàn, Nhật, Thái gì đó nếu nhớ đồ ăn Châu Á. Ăn đồ Thổ mấy ngày liên tục cũng hơi ngán nên mình có thử mấy quán được review tốt nhưng vừa đắt mà vừa dở, tình trạng chung rồi 🙁
  • Đói mà túi sắp cạn đáy thì ăn thử simit nha – 1 loại bánh mì vòng với rất nhiều vừng, giá chỉ 1,5-1,75 lira (không biết liệu có món gì rẻ hơn được nữa không)
  • 1 số bảo tàng ở Istanbul miễn phí vé vào cổng trong 1 số ngày nhất định, ví dụ như: Pera Museum: miễn phí thứ 6 hàng tuần từ 18.00-22.00; Sakip Sabanci Fine Arts Museum: miễn phí thứ 4 hàng tuần và đóng cửa vào thứ 2

Hix, lâu lắm mới làm 1 bài dài hết hồn luôn, cả nhà ủn mông tớ đi để tớ thêm động lực hoàn thành tiếp chuỗi bài Road trip vùng Grand Circle của Mỹ nhé!!!

À quên nữa, do bài viết dài nên mình đã đưa toàn bộ album ảnh của chuyến đi lên facebook Diep Nguyen, các bạn có thể tham khảo thêm dưới link này:
https://bit.ly/2XuKmmg
(FOLLOW để cùng dõi theo hành trình khám phá của nhà Tí Tũn nha)

Có thể bạn sẽ thích

1 comment

DH 10/09/2020 - 08:09

Cám ơn review và vài tips du lịch của mẹ Tí Tũn, làm em có thêm động lực để cố gắng được trải nghiệm đẹp tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai.

Reply

Leave a Comment

css.php