Ngày mình mới sang Thuỵ Điển du học (nghe như xa xưa lâu lắm rồi), đã rất háo hức tìm ngay lập tức những chuyến bay giá rẻ đi khắp Châu Âu. Thời ý cực kỳ hoan hỉ mỗi khi kiếm đc vé 5-10€ bay từ Stockholm sang Brussels, Amsterdam, Vienna này nọ. Lịch đi chơi cứ là kín mít mỗi cuối tuần. Khi ấy, chị bạn thân mình chỉ cười bảo: “Cứ đi đi, rồi em sẽ thấy không nơi nào đẹp như Stockholm”. Cái tuổi 21 vô tư và non nớt khi ấy khiến mình cho rằng bà chị hay mộng mơ này bias quá độ.
Ấy thế mà gần 10 năm đã qua. Càng đi, càng khám phá, mình lại càng thấy yêu thêm những góc nhỏ dịu dàng, những quán cà phê local tinh tế mà tối giản, đúng chuẩn “lagom”. Chà, ngồi viết bài này, mình mới chợt nhớ: đã lâu lắm rồi không cùng bạn bè leo lên Monteliusvägen, cùng nhâm nhi bia và ngắm hoàng hôn đang dần buông xuống hồ Mälaren. Cũng đã vì mải mê cơm áo gạo tiền mà vài mùa hè rồi mình quên không ghé thăm tiệm kem nhỏ trên đường Fjällgatan. Chẳng hiểu vì tiệm này chỉ mở cửa vài tháng mùa hè, hay tại vì vừa mút mát kem, vừa được ngắm toàn cảnh thủ đô xinh đẹp từ trên cao mà lúc nào mình cũng thấy vị kem ngon đặc biệt.
Nhân 1 ngày khụt khịt nằm nhà vì dị ứng phấn hoa, và tâm trạng lên cao, mình phải tranh thủ chia sẻ chút kinh nghiệm về du lịch Stockholm đến độc giả Blog nhà Tí Tũn. (Khi 1 Nhân Mã đã muốn gì thì sẽ phải làm ngay, để lâu tụt mood thì không biết đến bao giờ mới đủ động lực bật web lên viết tiếp, hihi)
[toc]
1. Vài nét về Stockholm
1.1 Ngôn ngữ
Ngôn ngữ chính ở Thuỵ Điển là tiếng Thuỵ Điển, gọi là Swedish và người Thuỵ Điển gọi chung là Swedes. Có người hỏi tiếng Thuỵ Điển giống tiếng Phần Lan, Đan Mạch hay không thì câu trả lời là Không và Có nha. Trong khi tiếng Phần Lan thuộc bộ Uralic – cùng dòng tộc với tiếng Hungary, Estonia thì tiếng Thuỵ Điển lại thuộc bộ Germanic – cùng họ hàng với anh Đan Mạch, Nauy, Iceland, đảo Faroe.
Ở đây lâu lâu, trình độ tiếng Thuỵ Điển ở mức giao tiếp ở mức chấp nhận được thì mình nghe tiếng Nauy cũng bập bõm 1 xíu. Tiếng Đan Mạch nghe không hiểu gì nhưng nhìn văn bản và các đoạn chat chit thông thường thì vẫn đoán được nghĩa do các bên dùng nhiều từ giống nhau, chỉ có chữ cái là khác 1 chút.
Tuy nhiên bạn đừng lo về vấn đề giao tiếp khi đến Stockholm hay bất cứ thành phố nào ở Thuỵ Điển nhé. Cùng với Hà Lan và Đan Mạch, đây là 1 trong những nước nói tiếng Anh tốt nhất thế giới (không tính các nước nói tiếng Anh bản địa như Anh, Úc, Mỹ, etc). Từ trẻ con học lớp 3 đến ông già bà cả 7-80 tuổi đều nói được tiếng Anh. Riêng thanh niên tầm 16-40 tuổi là nói nhoay nhoáy như tiếng mẹ đẻ rồi nên bạn cứ tự tin xách valy/balo lên đường thôi
1.2 Tiền tệ
Thuỵ Điển từ chối việc dùng đồng tiền chung Châu Âu nên đến giờ vẫn tiếp tục sử dụng đồng krona (1 đồng thì gọi là krona còn từ 2 đồng trở lên – số nhiều- thì gọi là kronor, ký hiệu “kr” nha). Ký hiệu tiền để tra tỷ giá là SEK (Swedish krona)
Tỷ giá tiền Thuỵ Điển so với Euro và Dollar tương đối ổn định. Ở thời điểm hiện tại (tháng 5/2019) thì:
10 kr = 0,93 € = 1,04 $ = 24.400 VND
Khi du lịch Thuỵ Điển, bạn có thể đổi 1 ít tiền ở sân bay đề phòng. Còn lại, tất cả mọi thứ đều có thể thanh toán bằng thẻ, từ hostel, khách sạn, nhà hàng đến thẻ tàu/bus, vé bảo tàng. Rất nhiều tiệm thậm chí không nhận tiền mặt, chỉ nhận thẻ nên tất nhất hãy giữ cái thẻ bank của bạn kỹ 1 chút. 1 số shop, khi thanh toán bằng thẻ có thể yêu cầu xem ID nên cũng hãy nhớ mang ID theo.
1.3 Thời tiết và thời điểm thích hợp đi du lịch Stockholm
Mỗi mùa Stockholm lại có 1 vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, nếu có bạn bè đến thăm Stockholm, mình sẽ gợi ý bạn đến từ khoảng tháng 4 đến tháng 8 hoặc giữa tháng 10.
Tuỳ vào từng năm (đôi khi sớm hoặc muộn hơn 1 xíu), mùa xuân thường bắt đầu vào giữa tháng 4. Chỉ vài cơn mưa xuân thôi cũng khiến cây cối đâm chồi nảy lộc. Sự biến đổi màu sắc ấy không diễn ra theo tháng, mà là theo ngày. Mới hôm qua cành cây còn khẳng khiu gày guộc, chỉ qua 1 đêm thôi, lộc đã nảy một màu xanh non mơn mởn. Thêm vài đêm nữa, hoa xuân cũng bắt đầu lên nụ. Nếu đến Stockholm cuối tháng 4, chắn chắn bạn sẽ có cơ hội chụp ảnh cùng hoa anh đào ở Kungsträdgården
1 số các tour đi tàu như Stockholm under the Bridges hay các tour đi vùng archipelago (quần đảo) xung quanh Stockholm cũng chỉ bắt đầu mở từ giữa tháng 4 hoặc tháng 5.
Giai đoạn hè tháng 6-7-8, thời tiết cũng không quá nóng (thậm chí là mát mẻ và sáng sớm hoặc tối muộn vẫn cần mặc 1 áo khoác mỏng) nên đi du lịch cũng rất dễ chịu. Chưa kể trời lúc nào cũng xanh trong nên ảnh chụp auto đẹp mà không cần chồng filter. Hè Thuỵ Điển ít mưa đến nỗi nhiều năm khô hạn, chính phủ phải cấm đốt BBQ đề phòng cháy rừng, nên bạn cũng không cần quá lo lắng vấn đề mưa bão.
Tháng 10 có thể khiến khách du lịch đôi chút khó chịu vì hay mưa, nhưng đi kèm với đó là những thảm lá vàng tuyệt đẹp
Mùa đông Thuỵ Điển cũng rất đẹp, nhưng nhiệt độ đôi khi có thể xuống tới -25 độ, khô và lạnh nên trừ khi bạn chưa thấy tuyết bao giờ thì nên tới Thuỵ Điển chứ mình không thật sự khuyến khích đi mùa đông. Trời quá lạnh và tối (thường chỉ thấy chút ánh mặt trời từ 12h trưa đến 2h chiều), đi lang thang quá lâu ngoài trời không phải là 1 ý hay
Bạn có thể xem thêm bài viết về vẻ đẹp 4 mùa Thuỵ Điển của bố Tí Tũn ở đây nha:
http://blognhatitun.com/bon-mua-o-thuy-dien/
2. Đi lại ở Stockholm như thế nào?
2.1 Cách đi từ sân bay về trung tâm Stockholm
Có 1 điều khách du lịch thường ít để ý là 1 số sân bay dù không thuộc địa phận Stockholm, vẫn mang tên Stockholm gì đó nên nhiều người lầm tưởng mà đặt vé luôn trước khi kiểm tra kỹ. Tương tự trường hợp sân bay Paris Beauvais thì không nằm ở Paris, có 2 sân bay mang tên Stockholm Västerås và Stockholm Skavsta đều thuộc tỉnh lân cận chứ không thuộc địa phận Stockholm. Thời gian di chuyển từ đây vào trung tâm thành phố hết khoảng 80 phút với bus.
Ngày trước còn trẻ khoẻ và nhiều thời gian rảnh, sẵn sàng ngủ bến tàu để chờ 3-4h bắt xe ra sân bay nên mình thường bay Ryanair (chủ yếu là đi từ sân Stockholm Skavsta) nhưng giờ thấy khá bất tiện khi giờ bay không hợp lý và hay bị hồi hộp quá mức khi đường tắc/sợ trễ chuyến. Vé từ sân bay vào trung tâm thành phố cũng cao (nhiều khi cao hơn vé máy bay luôn). Vì lẽ đó, hiện giờ mình chỉ chọn bay đến sân Arlanda (sân bay quốc tế Stockholm) hoặc sân Stockholm Bromma (sân bay nhỏ gần trung tâm thành phố). Tuy nhiên mình vẫn sẽ ghi lại cách di chuyển từ 4 sân bay này về trung tâm, phòng khi ai đó có nhu cầu nha!
2.1.1 Cách đi từ sân bay Stockholm Västerås về trung tâm Stockholm
Cách đơn giản nhất đi từ Västerås Airport là đi bus của Flygbussarna. Tổng thời gian hết khoảng 80 phút/chiều. Vé adult: 139kr/chiều, vé cho thiếu niên (8-17 tuổi): 119kr/chiều. Bạn có thể mua trực tiếp tại sân bay hoặc đặt online qua web của hãng: https://www.flygbussarna.se/
Cách 2: Đi local bus số 3 về Västerås central (khoảng 10-15 phút có 1 chuyến) rồi chuyển sang tàu SJ đi thẳng về Stockholm Central Station. Tổng package vé hết khoảng 100kr-150kr (tuỳ thời điểm), có thể book trước qua website: https://www.sj.se/en/home.html#/
(Chọn điểm đi là Västerås flygplats, điểm đến là Stockholm Central
2.1.2 Cách đi từ sân bay Stockholm Skavsta về trung tâm Stockholm
Đi bus của Flygbussarna vẫn là lựa chọn hàng đầu với thời gian di chuyển khoảng 1h30′ cho quãng đường khoảng 100km.
Vé adult: 139kr/chiều, vé cho thiếu niên (8-17 tuổi): 119kr/chiều. Bạn có thể mua trực tiếp tại sân bay hoặc đặt online qua web của hãng: https://www.flygbussarna.se/
2.1.3 Cách đi từ sân bay Stockholm Bromma về trung tâm Stockholm
Bromma là sân bay nhỏ trong thành phố, di chuyển tương đối dễ dàng. Từ đây, bạn có thể
- Đi phương tiện công cộng: Đi bus 152 đến Sundbybergs torg rồi đổi qua tàu pendeltåg 43 về Stockholm Central Station. Hoặc đi bus 110 về Alvik và đổi sang tàu tunnelbana (metro) về Stockholm Central Station. Giá vé khoảng 32-45kr tuỳ vào cách bạn mua vé (mua qua apps hay mua tại trạm, hay tại máy bán vé tự động). Tốt nhất hãy tải apps SL hoặc Res i Sthlm để kiểm tra giờ tàu chạy nhé
- Đi Flygbussarna như trên, giá vé: 75sek khi mua qua apps hoặc web, hoặc 85kr khi mua tại quầy.
2.1.3 Cách đi từ sân bay Stockholm Arlanda về trung tâm Stockholm
- Cách nhanh nhất: chỉ 18 phút với tàu Arlanda express là bạn có thể đến thẳng ga trung tâm Stockholm rồi, tuy nhiên giá tương đối cao: Adult trên 26 tuổi: 295kr/chiều, trẻ em + Youth từ 25t trở xuống: 165kr. Book vé online tại đây
- Cách 2: đi Flygbussarna như trên, giá 99kr cho adult, thời gian di chuyển khoảng 45 phút
- Cách 3: Cách này rất MỚI và RẺ nè: đi xe bus của Flixbus, giá vé từ 3,9€ trở lên tuỳ vào giờ đi, thời gian di chuyển hết khoảng 40 phút, đặt vé online tại đây
- Cách 4: đi commuter train (pendeltåg) về Stockholm central station hết khoảng 35-40 phút. Giá vé: 152 kr nếu bạn chưa sở hữu 1 thẻ SL nào còn giá trị sử dụng. Giá vé cao do đã bao gồm phí sân bay. Thông tin mới nhất đọc thêm tại website của SL (Công ty vận tải công cộng Stockholm)
- Cách 5: Rất rẻ nhưng thời gian di chuyển hơi lâu và chỉ dân hay lọ mọ mới mò mẫm ra: Từ sân bay bắt bus 583 về Märsta station, đổi sang đi tàu pendeltåg line 41 về Stockholm central station. Giá vé khoảng 35-42kr hoặc free nếu bạn có thẻ SL còn hạn sử dụng. Thế nên nếu bạn định du lịch ở Stockholm lâu và định vào thành phố bằng cách này để tiết kiệm thì tốt nhất hãy mua luôn thẻ SL từ sân bay. Giá thẻ SL sẽ để cập ở phần dưới.
2.2 Di chuyển trong trung tâm Stockholm
Taxi ở Stockholm tương đối đắt, đôi khi bạn có thể dùng tạm Uber cho những trường hợp khẩn cấp hoặc không tiện đi tàu/bus với hành lý quá nặng. Tuy nhiên hệ thống phương tiện công cộng của Stockholm rất thuận tiện, hiệu quả (mặc dù có hơi đắt xíu so với các nước trong Châu Âu) nên không có lý do gì lại không thử đúng không nào? Chưa kể 1 công trình nghệ thuật dưới lòng đất đang chờ bạn khám phá mà điều kiện cần chỉ là 1 tấm thẻ SL – tấm thẻ quyền lực có thể mua ở trung tâm SL hoặc bất kỳ cửa hàng Pressbyrån nào bạn gặp. Chỉ với tấm thẻ này, bạn có thể đi được tất cả các thể loại tàu điện ngầm (t-bana), tàu commuter (pendeltåg), tvärbana, local boat.
Theo bảng giá cập nhật mới nhất (tháng 4/2019) trên web của SL thì:
* Vé 1 lượt (75 phút): Nếu dùng thẻ top-up của SL: 32kr. Nếu mua qua apps của SL, máy bán vé tự động hoặc quầy vé trước cửa quẹt thẻ tàu: 45kr
* Vé 24 giờ: 130kr
* Vé 72 giờ: 260kr
*Vé 7 ngày: 335kr
P/S: giá vé áp dụng cho người lớn. Trẻ dưới 7 tuổi (đi cùng người lớn) được miễn phí; trẻ trên 7 tuổi và sinh viên/học sinh dưới 20 tuổi được giảm khoảng 40% giá vé.
Để cập nhật thông tin giá vé mới nhất, bạn truy cập trang web: https://sl.se/en/fares–tickets/
Để biết thêm thông tin thêm về hệ thống điện ngầm ở Stockholm, bạn tham khảo thêm 1 bài viết khác của Blog nhà Tí Tũn ở đây nhé:
Trải nghiệm con đường nghệ thuật dưới lòng Stockholm
Ngoài ra, mình không khuyến khích các bạn thuê ô tô để tự lái do đỗ xe trong trung tâm khá khó và dễ bị phạt tiền lắm nha!
3. Đi đâu ở Stockholm?
Trung tâm Stockholm được chia thành 5 khu vực chính mà mỗi khu vực mang những đặc điểm riêng, trong đó:
- Norrmalm: Là trung tâm tài chính của Stockholm với rất nhiều toà nhà văn phòng, nhà ga trung tâm, Nhà hát Opera hoàng gia, trung tâm thương mại và những con đường mua sắm lớn
- Gamla Stan: “Gamla Stan” nghĩa là phố cổ. Hòn đảo nhỏ ngay gần trung tâm là 1 trong những điểm thăm quan thu hút nhiều khách du lịch đến Stockholm với nhà thờ chính toà quốc gia, bảo tàng Nobel và cung điện Hoàng gia – 1 trong những cung điện lớn nhất với hơn 600 phòng. Nếu đã đến Gamla Stan, đừng bỏ lỡ buổi đổi gác của các chàng lính hoàng gia. Lịch đổi gác các ngày trong tuần, bạn xem thêm tại đây: https://www.tripsavvy.com/changing-of-the-guard-in-stockholm-1625962
- Östermalm: Khu “nhà giàu” của Stockholm và cũng là nơi tập trung nhiều hộp đêm nhất. Nếu bạn là fan của hàng hiệu cao cấp, hãy cứ thả bộ ở Bibliotekstan, từ Other Stories, COS, Acne Studios cho đến Jimmi Choo, Prada, Chanel, etc đều có thể được tìm thấy ở đây. Danh sách các boutique ở Bibliotekstan, bạn có thể xem thêm ở đây: http://www.bibliotekstan.se/shops/
- Södermalm: Phản ánh kiến trúc hiện đại bên cạnh các tòa nhà lịch sử. Cũng tại đây, bạn có thể tìm thấy điểm đẹp nhất để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao.
- Djugården: Hòn đảo cũng rất gần trung tâm Stockholm với những mảng xanh mát rượi, với công viên giải trí Gröna Lund, bảo tàng Vasa, bảo tàng Abba, Skansen – bảo tàng ngoài trời đầu tiên của Thuỵ Điển, cung điện Rosendal.
4. Ăn gì ở Stockholm?
Ẩm thực là 1 phần không thể thiếu của những chuyến đi, điều ấy đặc biệt đúng với tinh thần ăn uống như nhà Tí Tũn. Danh sách quán ngon ở Stockholm thì dài rất dài, nhưng mình list lại 1 số cái tên nổi bật, lại gần khu trung tâm để các bạn dễ tiếp cận:
- Đồ ăn Thụy Điển:
– Kryp In: Prästgatan 17, 111 29 Stockholm
– Kornhamnstorg No 53: Kornhamnstorg 53, 111 27 Stockholm
– Fem små hus: Nygränd 10, 111 30 Stockholm
– Kajsas fisk – Hötorgshallen (chợ hầm Hötorget – nổi tiếng với món soup cá rất ngon, không đắt như bên Lisa Elmqvist ở chợ Östermalm Saluhall) - Đồ chay (vegan):
– Hermans: Fjällgatan 23B, 116 28 Stockholm
– Trädgårdscaféet – Slottsträdgården Ulriksdal: Slottsträdgårdsvägen 8, 170 79 Solna (chỉ có buffet chay vào các buổi trưa trong tuần, rất ngon miệng – tuy nhiên hơi xa trung tâm 1 chút) - Đồ Á :
– Chuỗi nhà hàng Pong (đồ Thái-Hoa)
– Sushi Sho: Upplandsgatan 45, 113 28 Stockholm
– Arirang: Luntmakargatan 65, 113 58 Stockholm (japchae rất ngon)
– Nam Kang: Birger Jarlsgatan 38, 114 29 Stockholm (đồ nưỡng Hàn Quốc ngon)
– Hattori Sushi Devil: Drottninggatan 85, 111 61 Stockholm
– Makoto bento: Drottninggatan 108, 113 60 Stockholm
– Miss Voon: Sturegatan 22, 114 36 Stockholm
- Đồ Trung Đông:
– Tabbouli street: Sergelgatan 25, 111 57 Stockholm
– Shanti Gossip: Skånegatan 71, 116 37 Stockholm
- Đồ Việt:
– Minh Mat: Odengatan 94, 113 22 Stockholm (giá hơi cao, fusion)
– Bun Bo Hue: Sankt Eriksgatan 124, 113 31 Stockholm
– Pho & Bun: Tegnergatan 19
– Eatnam: Odengatan 85, 113 22 Stockholm
– Saigon Baguette: Gamla Brogatan 25, 111 20 Stockholm (Bánh mì rất ngon)
- Cafe, brunch, bánh ngọt: It’s Pleat (địa điểm đẹp, salad khá ngon), STHLM Brunch Club, Gast cafe, Cafe Pascal, Greasy Spoon, cafe Pom & Flora, Vette Katten.
Trên đây mới chỉ là list siêu ngắn, nếu muốn đọc review từng quán kỹ hơn, các bạn có thể follow fb Diep Nguyen nhé, mình sẽ cập nhật liên tục 1 album xoay quanh chủ đề Những địa điểm ăn uống không thể bỏ lỡ khi đến Stockholm 😉 .
Thêm 1 tips nhỏ nữa là nhớ download apps TheFork nhé. Thefork cũng hay có các chương trình khuyến mại giảm 20-50% cho 1 số nhà hàng, deal tốt không nên bỏ lỡ 😉
5. Ở đâu?
Thuê phòng nghỉ/khách sạn gần như là chi phí cao nhất khi bạn đến thăm Stockholm. Phần lớn phòng khách sạn có giá trên 1000 sek (hơn 100€), vì thế để tiết kiệm chi phí, nhiều bạn thường chọn các phòng khá xa trung tâm. Tuy nhiên điều đó chỉ thích hợp nếu bạn không có 1 lịch trình dày đặc, nếu không thì đi lại cũng khá vất vả đó.
Do phương tiện công cộng ở đây hoạt động hiệu quả, nên mình gợi ý: khi có ý định thuê phòng, hãy google địa điểm xem từ đó đến T-centralen có tàu hoặc buss thẳng hay không. Nhiều phòng cách T-centralen chỉ khoảng 5km nhưng phải đổi 3 lần tàu bus thì sẽ không tiện bằng điểm cách T-centralen 15km nhưng chỉ đi 1 tàu metro đến thẳng T-centralen trong 15 phút với tần suất 3-4 phút có 1 tàu.
Tốt nhất nên thuê phòng ở khu vực gần T-centralen để tiện đi lại. Các khu như Rådmansgatan, Odenplan tập trung nhiều phòng Airbnb cũng là 1 lựa chọn tốt vì độ an toàn, tiện lợi khu mua sắm, ăn uống, đi cafe. Nếu nhiều hành lý, bạn không nên ở khu Gamla Stan do địa hình hơi dốc, đường lát đá cuội nên đi khá vất vả (mùa đông thì trơn trượt khỏi nói luôn), chưa kể nhà hàng ăn uống quanh đó rất đắt đỏ. Nhớ tránh xa những khu bất ổn như Rinkeby, Husby, Akalla ra nhé.
Với các bạn là sinh viên Bắc Âu, 1 tips để thuê phòng rẻ là Hệ thống khách sạn của Nordic Choice Hotels. Mặc dù giá phòng thường trên 100€ nhưng khi bạn có thẻ sinh viên Bắc Âu thì thường thuê được với giá 50-70€/đêm cho 1 phòng đôi. Các khách sạn thuộc chuỗi này thường rất rất gần trung tâm, nhiều khách sạn có bao gồm buffet ăn sáng.
Với các bạn ưu tiên thuê của host Việt, mình gợi ý 1 trang web mới tập trung nhiều dịch vụ cho thuê phòng, dịch vụ tour của người Việt ở Châu Âu có tên EZ5ME: https://ez5me.com/
Còn nếu cũng muốn đặt phòng qua Booking.com này, bạn đừng quên dùng code giảm giá của nhà Tí Tũn để được giảm 15€ cho booking đầu tiên nhé:
https://www.booking.com/s/35_6/fb122493
Hoặc Book phòng Airbnb với Link đăng ký giảm 40$ cho lần đặt phòng đầu tiên: https://www.airbnb.com/c/newu814024
Ngoài ra, Agoda cũng thường xuyên có các deals giảm giá hấp dẫn, bạn nhớ để ý nha!
6. Gợi ý lịch trình 3 ngày du lịch Stockholm
- DAY 1: Stockholm xưa cũ
10.00-12.00: free walking tour thăm Gamla Stan (thông tin thêm dưới phần Mẹo Tiết kiệm khi du lịch Stockholm). Nếu có dịp ghé thăm bức tượng đồng bé nhất Stockholm có tên Chú bé ngắm trăng, nhớ chụp lại hình outfit hôm đó của chú cho mình xem với nhé 😛
Ăn trưa: Kornhamnstorg No 53 (thử half soup, half flat bread nhé, ngon cực).
13.00 – 16.30: lang thang phố cổ, thăm Kungliga Slottet (Royal Palace), fika ở quán Art cafe (tiệm cafe nhỏ dưới hầm) hoặc Chokladkoppen.
17.00: Nobel museum. Lưu ý, từ tháng 9 đến tháng 5, bảo tàng miễn phí vào cổng vào thứ 6 hàng tuần, từ 17.00-20.00.
18.30: Nếu du lịch mùa hè, nên tranh thủ lúc sắp hoàng hôn ra tòa thị chính thành phố Stadshuset (City Hall), view rất đẹp.
- DAY 2: Stockholm’s Nature day.
Thử 1 bữa sáng đầy năng lượng ở STHLM Brunch Club để chuẩn bị cho 1 ngày đi dài, khá mệt.
Dành cả ngày để tham quan các bảo tàng trên đảo Djurgården với bảo tàng tàu chiến Vasa (Vasamuseet), Bảo tàng ngoài trời Skansen, Bảo tàng ABBA (fan của ABBA dứt khoát không thể bỏ qua nha)
Dùng thẻ SL để đi free boat (Tàu biển miễn phí) từ Djurgården sang Slussen, ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ mặt nước thú vị lắm - DAY 3: Stockholm hiện đại, cực “trendy”
Tự mình khám phá các bến tàu điện ngầm nổi tiếng ở Stockholm chỉ bằng thẻ SL theo hướng dẫn chi tiết trong bài Trải nghiệm con đường nghệ thuật dưới lòng Stockholm
Ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ Fjällgatan với góc view cực rộng. Từ đây bạn có thể thấy Gamla Stan, Skeppsholmen, Djurgården, tháp truyền hình Kaknästornet và sau đó dùng bữa trưa ở nhà hàng Hermans ngay gần.
Tham quan bảo tàng nhiếp ảnh Fotografiska
Ngắm hoàng hôn trên Monteliusvägen – 1 viewpoint tuyệt đẹp ở khu vực Södermalm, từ đây bạn có thể thấy hồ Mälaren, City Hall và Riddarholmen.
Còn nếu có nhiều hơn 3 ngày ở Stockholm thì sao? Mời bạn theo dõi tiếp những địa điểm gần Stockholm mà mình có thể đi về trong ngày ở dưới đây.
7. Những địa điểm siêu đẹp gần Stockholm
Đến Stockholm mà không bỏ ra ít nhất 1 ngày lang thang mấy thị trấn nhỏ xung quanh thì sẽ tiếc nuối lắm đó mấy bạn. Bên cạnh 1 số day-trips khá nổi tiếng mà bạn có thể tìm thấy từ các bài viết du lịch khác như đi Uppsala – thủ đô cũ của Thụy Điển hay Sigtuna- thị trấn cổ nhất của Thụy Điển còn tồn tại đến ngày nay – thì mình có thêm 1 số địa điểm gợi ý đến cả nhà:
- Drottningholm Palace: Cung điện Hoàng hậu
- Gripsholm Castle: lâu đài ghi dấu hơn 400 năm lịch sử
- Vaxholm
- Sandhamn
- Gustavsberg
- Trosa: cách Stockholm chỉ khoảng 1h lái xe, Trosa siêu nhỏ xinh với những túp nhà nhỏ dọc 2 bên bờ sông. Cả thị trấn mùa xuân tràn ngập trong hương sắc hoa hồng – đây cũng là 1 khám phá mới của mẹ TT do thông tin về thị trấn này không có nhiều trên các cổng thông tin du lịch.
Nếu có dư vài ngày, đừng ngại ngần làm 1 chuyến đi ngắn đến thăm hòn đảo Viking mang tên Gotland – nổi tiếng với những pháo đài từ thời Trung cổ. Mẹ Tí Tũn luôn dành tình yêu đặc biệt với hòn đảo này bởi những kỷ niệm không thể quên suốt 1 năm sống trên đảo.
Thông tin thêm về đảo Gotland, mời mọi người tham khảo thêm bài viết: Sống chậm ở Gotland
Ngoài ra, mình cũng sẽ update thêm lịch trình tham khảo cho các chuyến day trip cuối tuần theo mùa trên page Blog nhà Tí Tũn, ví dụ như Hái dâu tháng 7 cuối tuần ở Uppsala, Thu hoạch rau củ tháng 8 vườn Ulriksdal, Đi bẻ ngô vùng Värmdö, etc. Nhớ FOLLOW Blog nhà Tí Tũn để không bỏ qua những dịp hay ho khi đến Stockholm, bạn nhé!
8. Những mẹo tiết kiệm khi du lịch Stockholm
- Trang web có tất tật mọi thứ bạn cần, bao gồm từ danh sách top các nhà hàng phải thử, đi đâu, ở đâu đến thông tin về các sự kiện văn hoá mới nhất của Stockholm đều được cập nhật tại đây: https://www.visitstockholm.com/
- Nếu chọn khách sạn ở trung tâm, chỉ tham quan vài điểm du lịch gần đó, bạn có thể thuê xe scooter điện thay vì mua thẻ SL, giá rất rẻ. Chỉ cần tải apps và đăng ký thuê xe. 1 số công ty/apps cung cấp dịch vụ này: Lime, Voi, Glyde, Tier
- Nếu đến Stockholm mùa đông, nhớ ra trượt băng miễn phí ở Kungsträdgården. Chi phí duy nhất bạn phải trả là 50kr để thuê 1 đôi giày trượt đúng size (quầy cho thuê giày trượt ngay cạnh sân trượt băng)
- Sử dụng thẻ SL để đi bus 69 hoặc tram số 7 để đi sang Djurgården – 1 trong những cách hay ho để khám phá Stockholm. Tram số 7 này dẫn bạn đến khá nhiều điểm tham quan chính như Skansen, Vasamuseum, bảo tàng Abba
- Nước từ vòi ở Thuỵ Điển rất ngon và ngọt, uống được luôn (những vùng núi cao, nước sẽ còn ngon hơn nữa). Bạn nhớ mang theo chai để refill khi cần, tuyệt đối chỉ uống nước lạnh từ vòi, không dùng nước nóng từ vòi để ăn/uống nha. Nhiều bạn đến lần đầu không biết nên pha luôn mì tôm bằng nước nóng từ vòi lắm đó 😛
- Tranh thủ free walking tour Gamla stan để hiểu thêm về văn hóa và di tích lịch sử Stockholm. Tiền tips cho tour guide tùy ý bạn (5-10$ gì đó cũng được nha). Thông tin Free walking tour xem tại website của Free Walking Tour Stockholm
- Bỏ qua Hop on Hop off vì giá vé khá cao, trong khi tất cả các địa điểm trong lịch trình Hop on Hop off đều dễ đi bằng phương tiện công cộng.
Phù… Thế là cũng xong guideline cơ bản, hi vọng sẽ giúp ích được nhiều nếu bạn đang lên kế hoạch du lịch Stockholm, hoặc kể cả cho ai đó đang sống ở Stockholm mà muốn hiểu hơn về thành phố Bắc Âu xinh đẹp này.
Nhá hàng bài sắp lên sóng: Những hoạt động thú vị dành cho gia đình có con nhỏ ở Stockholm. Nhớ FOLLOW Blog nhà Tí Tũn và facebook Diep Nguyen của mình để cập nhật những bài viết mới nhất về du lịch gia đình nhé 😉
4 comments
Bạn có thể giải thích vì sao chỉ dùng nước lạnh từ vòi cho việc ăn/uống. Nếu nước nóng không được ăn uống thì khi mình mở vòi ở giữa (không lạnh, ko nóng) cũng là không được dùng cho việc ăn/uống sao?
Chào bạn,
Theo mình được biết thì các ống đồng được sử dụng trong hệ thống ống nước ở Thụy Điển. Quá trình gia nhiệt có thể làm hệ thống nước nóng chứa nhiều khoáng chất và kim loại hòa tan, không tốt cho cơ thể. Do đó chúng mình chỉ nên dùng nước lạnh cho việc ăn uống. Tốt nhất là xả nước lạnh 1-2 phút rồi mới bắt đầu lấy nước đó để đun/nấu cho an toàn nhé.
Cảm ơn bạn, bài viết rất hay và chi tiết. Bạn cho mình hỏi làm thế nào để tìm vé máy bay giá 5-10 euros như bạn nói vậy?
Ngày trước mình thường đi Ryan Air, giá rất rẻ. Bạn có thể đăng ký nhận promotion mail của hãng để biết các đợt hãng có khuyến mãi nhé. Thường thì muốn đặt đc vé 5-10€, mình thường mua trước đến gần cả nửa năm, hihi.