Tí Tũn – A beautiful accident
Tí Tũn của bố mẹ sắp tròn 34 tuần.. còn 3 tuần nữa là bạn bước qua mốc an toàn với trẻ sơ sinh. Mẹ biết bạn đã khó chịu với cái không gian nhỏ hẹp này lắm rồi, nhưng thương bố, thương mẹ, bạn phải cố gắng lên nhé.
Mỗi ngày đếm đủ 4 lần bạn nấc; thỉnh thoảng thấy bạn cựa mình, trồi cái mông tròn xoe hay huých khuỷu tay, đá gót chân vào bụng mẹ vì khó chịu.. mẹ lại thầm mong ngày ấy mau mau đến.. để mẹ cắn vào má bạn 1 cái, tét vào mông bạn 1 cái cho chừa cái tội nghịch ngợm từ trong trứng, làm mẹ mệt mỏi, mất ngủ biết bao nhiêu đêm. Nhưng nỗi sợ hãi của mẹ cũng vì thế mà lớn dần.. sợ mình có bế nổi sinh linh bé bỏng và mềm mại ấy không; sợ có làm xà phòng bay vào làm cay mắt khi tắm cho bạn không; sợ thiếu sữa; sợ trầm cảm sau sinh làm mẹ ghét và không muốn đến gần bạn… sợ đến cả chuyện cho bạn đi tiêm phòng, có khi mẹ khóc trước vì nhìn thấy mũi kim sắp đâm vào tay TT…
Rồi mẹ bỗng nhớ lại cảm giác lần đầu tiên mẹ biết TT về với gia đình mình.. vừa mừng, vừa lo, đến nỗi bố TT cầm bát mỳ mà tay cũng run lên bần bật, bình thường phải ăn sáng thật no rùi mới đi làm mà hôm ấy có nửa gói mỳ bố cũng ăn không hết. Mừng lắm chứ.. con cái là lộc trời cho mà. Nhìn xung quanh bao nhiêu cảnh hiếm muộn, mong chờ 1 đứa con mà thất bại hết lần này đến lần khác.. bố mẹ thấy mình thật may mắn, trộm vía. Nhưng lo cũng không để đâu cho hết, lo vì công việc và nhà cửa của mình chưa thật ổn định, kế hoạch học hành dài hơi của mẹ vẫn còn chưa bắt đầu. Thời điểm ấy, mẹ cũng vẫn còn băn khoăn nhiều lắm về chuyện quay về VN với 1 công việc đầy hứa hẹn hay là ở lại TĐ, sống yên bình, không bon chen nhưng con cái có điều kiện học hành và sinh sống tốt hơn?
Chưa từng nghĩ sẽ có TT sớm như vậy nên mẹ cũng khá bị động trong việc tìm kiếm thông tin về mang thai và sinh con ở Thụy Điển – điều mà mẹ đã từng nghĩ sẽ phải chuẩn bị kỹ càng trước khi có TT ít nhất 6 tháng. May mắn là có bác Nga – một trong những người bạn lớn của bố mẹ ở Stockholm giúp đỡ. Nếu không có sự nhiệt tình của bác, có lẽ chuyện đăng ký nhà cửa, bảo hiểm xã hội, đăng ký khám chữa bệnh của bố mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ban đầu, mẹ TT phải tìm đến trang web của Vårdguiden (trang web chính thức cung cấp thông tin về sức khỏe, bệnh tật, hỗ trợ xã hội của TĐ). 1 hệ thống các phòng khám (gọi là mödravårdscentral hay MVC) cho bà mẹ và trẻ em được liệt kê theo khu vực, có cả xếp hạng chất lượng phòng khám dựa trên phản hồi của bệnh nhân. Mẹ TT may mắn tìm được 1 phòng khám gần nhà và 1 midwife tốt, tâm lý và nhiệt tình với bệnh nhân. Phải nói thêm rằng ở TĐ, việc theo dõi thai kỳ và đỡ đẻ thường do các midwife đảm nhiệm. Bác sĩ sản khoa không nhiều, chủ yếu chỉ giải quyết các ca sinh phức tạp (VD: mẹ bị tiểu đường, béo phì, có trục trặc về nhiễm sắc thể, mang bệnh HIV hoặc 1 số bệnh truyền nhiễm; các ca sinh khó như sinh 3-4 hoặc mẹ có tiền sử nạo hút thai..). TĐ nổi tiếng có 1 chế độ an sinh xã hội tốt nên mẹ TT cũng không mấy ngạc nhiên khi biết mình có quyền yêu cầu thông dịch viên tiếng Thụy Điển – Việt Nam nếu như không tự tin trao đổi các vấn đề về sức khỏe với midwife bằng tiếng Anh hay tiếng TĐ. Chi phí thuê thông dịch viên cũng do nhà nước chi trả toàn bộ, khiến cho quá trình theo dõi thai kỳ của mẹ TT trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Không như ở VN, các bà mẹ thường đến ngay phòng khám để kiểm tra lượng Hcg, kiểm tra thai đã về tử cung hay chưa, xem tim thai thế nào.. ngay khi mới nhìn thấy 2 vạch ở tuần thứ 5-7; việc theo dõi thai ở TĐ bắt đầu từ tuần thứ 8 hoặc thứ 10. Midwife của mẹ TT giải thích rằng trước thời gian đó, khả năng sảy thai khá cao; có nhiều nguyên nhân khác nhau như: trục trặc nhiễm sắc thể, tinh trùng và trứng kết hợp không tốt. Hãy coi như đó là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên để cho ra đời những em bé xinh đẹp nhất, khỏe mạnh nhất. Sảy thai trước tuần thứ 8 không phải do lỗi từ các bà mẹ, quá trình đó khó để phòng ngừa và một khi đã diễn ra thì cũng khó có thể can thiệp được.
Midwife của mẹ TT cũng từng nói: hãy để đứa con trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc, là sợi dây gắn kết yêu thương giữa bố – mẹ và những người trong gia đình chứ đừng biến nó thành nguyên nhân phá vỡ mọi kế hoạch của bạn; đừng quá serious trước mỗi thay đổi trong thai kỳ, cũng đừng stress chỉ vì các chỉ số về chiều cao và cân nặng của con bạn không được như những đứa bé cùng giai đoạn.
Có lẽ lời động viên của midwife đã giúp mẹ TT giữ được tâm trạng thoải mái trong suốt giai đoạn mang thai của mình. Mẹ TT vẫn đi học, tập thể dục bình thường, ăn uống theo nhu cầu chứ không có ý định “ăn cho 2 người”. Thời gian 3 tháng đầu, mẹ TT nghén đến mức không ăn nổi bất cứ thứ gì.. Sợ mùi cơm nóng, thức ăn nóng.. nhất là hôm nào các bạn Pakistan sống cùng corridor xào hành tây lúc nửa đêm thì mẹ TT cảm thấy cuộc đời không còn gì tăm tối hơn. Rồi mẹ TT được mẹ chồng chỉ cho cách: ăn 1 cái bánh quy ngay khi vừa thức dậy để giảm nghén. Chà, cách này cực kỳ hữu hiệu nhé, sau 1 tuần áp dụng, mẹ TT gần như tạm biệt nghén ăn, còn thầm nghĩ: giá mình biết đến cách này sớm hơn, chắc đã không khốn khổ như thế.
Ở VN, mỗi khi thấy có chút bất thường như: con đạp ít hơn mọi ngày, dây chằng bị giãn khiến mẹ đau háng hoặc đau lưng hơn, nước tiểu có màu đục hơn.. là các mẹ bầu cũng xôn xao, rồi đi khám. Nhìn lịch siêu âm dày đặc của 1 chị bạn ở Việt Nam, mẹ TT khá choáng: 6 lần siêu âm 2D vào các tuần: 5,8,16,20,26,30 và 3 lần siêu âm 4D vào các tuần: 12,22,32.. chưa kể gần sinh, mỗi lần thấy nhớ con, muốn nhìn mặt con hoặc không yên tâm về tình trạng thai, chị lại đi siêu âm tiếp.. cỡ 3-4 ngày / lần. Trong khi đó, các nghiên cứu ở TĐ chỉ ra rằng: siêu âm và xét nghiệm nhiều không mang lại kết quả tốt hơn, chỉ cần bác sĩ có chuyên môn kiểm tra đúng thời điểm quan trọng là đủ. Mẹ con TT cũng chỉ có duy nhất 1 lần kiểm tra 2D vào tuần 18.. hình ảnh hơi mờ mịt, nhưng đủ để bác sĩ có kết luận đầy đủ về chiều dài xương đùi, chu vi bụng, đường kính lưỡng đỉnh, các dấu hiệu bệnh tật (nếu có). Bác sĩ cho rằng: nếu phát hiện ra bệnh ở thai nhi ở thời điểm này, vẫn có thể tác động được. Một số bà mẹ có nguy cơ tiểu đường, béo phì, lớn tuổi (trên 35) hoặc nghi ngờ thai nhi có 1 số biểu hiện bệnh không rõ ràng sẽ được đề nghị siêu âm 2D thêm 1 lần nữa vào khoảng tuần 23-25.
Cho đến tận tuần thứ 34, mình mới có 4 lần khám với midwife vào tuần 8, 21,26, 31 và sắp tới là tuần 35 (lẽ ra là 34 nhưng midwife mới đổi lịch vì full) và 1 lần siêu âm với bác sĩ riêng. Mỗi lần khám thai cũng chỉ đơn giản là đo cân nặng, huyết áp và thử máu của mẹ, đo vài chỉ số vòng bụng, nghe tim thai và dự đoán lượng nước ối của mẹ. Dựa vào chỉ số vòng bụng, lượng nước ối, midwife có kinh nghiệm sẽ đưa ra cân nặng dự đoán của em bé. Mình không quá lo lắng về độ chính xác, vì ngay cả siêu âm ở VN, cân nặng của em bé vẫn nằm trong khoảng trên dưới 200gram so với trọng lượng thật kia mà. Ngay sau đó, midwife sẽ tư vấn và giải đáp các thắc mắc của thai phụ. Từ hồi bầu bí đến giờ, loại thuốc duy nhất mình được kê đơn để bổ sung là sắt (Niferex). Sợ thiếu calci, mình nhờ midwife kê thêm mà cũng bị từ chối. Có lẽ kiểu thăm khám, chữa bệnh ở TĐ theo style “càng tự nhiên càng tốt”. Không uống được sữa tươi thì sẽ được recommend ăn sữa chua hoặc uống nước cam thay thế. Lúc mới có bầu gần 3 tháng, 2 vợ chồng mình ngộ độc thức ăn dạng nặng, gọi xe cấp cứu mà nó cũng từ chối, chỉ khuyên 1 câu: uống nhiều nước hoặc oresol để tự khỏi. Rồi đến tuần 32, bị ra chút máu, mình hốt hoảng gọi midwife vì đọc báo thấy nói là nguy cơ sinh non, midwife cũng chỉ an ủi, hỏi han mấy câu rùi phán: nhiều người bị như em lắm, nếu tiếp tục ra máu thì vào bệnh viện, nếu không thì cứ yên tâm ở nhà, sinh hoạt như bình thường, ko có gì phải lo cả. Thậm chí mẹ Tí Tũn còn không phải tiêm phòng uốn ván như các mẹ ở VN nữa. Không biết vấn đề vệ sinh, hậu sản ở bệnh viện TĐ thế nào (vì mẹ TT chưa từng trải qua mà), nhưng midwife nói rằng: tiêm phòng bất cứ thứ gì trong giai đoạn mang thai cũng có khả năng gây hại cho thai nhi, họ sẽ tránh can thiệp quá mức đến sức khỏe của mẹ và em bé, bao gồm từ khám, tiêm đến siêu âm. Lần nào cũng được “trấn an” kịp thời nên mình gần như không bị “ám ảnh” về chuyện mang thai chăng?
Mẹ Tí Tũn chỉ còn hơn 6 tuần nữa là nhảy ổ, cũng còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cách làm việc và quan tâm đến tâm lý mẹ mang thai của các midwife, bác sĩ bên này làm mình thực sự an tâm. Để giải quyết nỗi lo về quá trình vượt cạn, cách chăm sóc trẻ sơ sinh và nuôi con bằng sữa mẹ, cũng như các vấn đề khác của thai kỳ.. midwife đăng ký cho 2 vợ chồng mình 1 lớp học tiền sản dành cho người sử dụng tiếng Anh. Sau khóa học, 1 buổi party sau sinh sẽ được tổ chức. Các ông bố bà mẹ lại mang con theo, kể lại chuyện sinh nở của mình và cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc em bé. Khi biết mình băn khoăn vấn đề có nên cho bố TT vào phòng sinh cùng mình không, midwife cũng trao đổi thẳng thắn với bố TT: đến 90% đàn ông TĐ theo vợ vào phòng sinh (10% còn lại là không có điều kiện về thời gian, hoặc đang đi công tác). Chứng kiến cảnh vợ vượt cạn, được thấy con chào đời, tự tay cắt rốn cho con.. sẽ khơi dậy tình yêu thương của bố với mẹ và con. Thế nên mọi người vẫn nói vui là: phụ nữ TĐ chỉ có phận sự sinh ra và cho con bú. Còn tắm rửa, thay tã, địu con, ở nhà trông con cho vợ đi bar với bạn bè là việc của các ông bố. Sau lần nói chuyện ấy về, bố TT gật đầu cái rụp về vụ vượt cạn cùng vợ, dù mẹ TT có dọa: khéo lúc ý, bố TT lăn đùng ra ngất xỉu thì các bác sĩ còn mệt hơn
Mẹ Tí Tũn càng an tâm hơn vì Hệ thống E-Health của TĐ làm việc cực tốt. Kể cả chưa kịp đăng ký bệnh viện sinh hoặc bệnh viện dự sinh không còn đủ chỗ nên buộc phải chọn bệnh viện khác (vì có mấy người sinh đúng due-date kia chứ), hoặc muốn thay đổi phòng khám MVC do mẹ bầu thay đổi địa điểm sống.. bác sĩ chỉ cần gõ số personal number của mẹ bầu (1 mã số cá nhân cấp cho những người có resident permit của TĐ từ 1 năm trở lên) là sẽ thấy cả hồ sơ bệnh án, tình trạng mang thai từ trước đến giờ để có phương pháp thăm khám phù hợp. Mọi chi phí thăm khám, xét nghiệm, siêu âm của mẹ và khám, chữa bệnh, tiêm phòng.. cho con đều được miễn phí (vì mình có số personal number). Mình được quyền chọn bệnh viện để sinh, ngoài 80kr/đêm tiền phòng cho mẹ (khoảng 250k vnd) và 250kr-350kr/ đêm với mỗi người thân ở lại, mình không phải trả thêm bất cứ khoản chi phí nào khác như: sinh thường, đẻ mổ, giặt là, ăn uống, thuốc tiêm, các biện pháp gây tê hoặc gây mê…). Những gì bệnh viện yêu cầu mẹ bầu mang theo khi sinh em bé chỉ gồm: 1 tờ giấy do midwife cung cấp có ghi personal number và nhóm máu của mẹ; 1 bộ quần áo cho mẹ, 1 bộ quần áo và chăn nhỏ cho con mặc khi ra viện; ngoài ra là truyện đọc để mẹ bầu thư giãn và máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên của em bé (nếu thích).
Cũng sắp đến ngày đi học lớp tiền sản rồi, chắc sẽ góp nhặt được thêm nhiều thông tin bổ ích nữa, mẹ Tí Tũn sẽ tiếp tục cập nhật “Kể chuyện Bầu ở Thụy Điển – Phần II”, cả nhà nhớ theo dõi nhé!