Hôm trước ngồi nói chuyện vui với bác Chi domino bên group Người Việt ở Thụy Điển – Cùng giúp nhau học tập và hướng nghiệp về phương pháp dạy con và chia sẻ các nguồn tài liệu hữu ích thì bác có nhờ mình gợi ý một vài tips về cách dạy đọc và viết Tiếng Việt cho con; đặng động viên nhau thành phong trào dạy con tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Thuỵ Điển.
Chả là Tí Tũn nhà mình sinh ra ở Thuỵ Điển, đi học trường Thuỵ Điển và chưa từng được tham gia 1 lớp học tiếng Việt nào nhưng trộm vía tiếng Việt của cu cậu rất khá. Ngoài đọc, viết thành thạo, bạn Tí còn biết sử dụng Telex để nhắn tin cho ông bà hàng ngày, nói tròn vành rõ chữ (không mất dấu), sử dụng từ tương đối tốt. Tất nhiên là khó so sánh được với vốn từ của các bạn đồng lứa đang ở VN nhưng Tí cũng đã biết dùng từ láy, từ lóng, thành ngữ. Mặc dù mẹ người Bắc, bố người miền Trung nhưng bạn nghe hiểu tiếng địa phương khá ổn (kể cả theo giọng miền Nam). Mỗi lần Tí về VN, nếu không nói thì mọi người xung quanh cũng không nhận ra đây là 1 em bé được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Như thế, mình cũng tạm coi là đã thành công bước đầu 🙂
Không lạm bàn về chuyện: “Sinh con và nuôi dạy con ở nước ngoài, mình có nên gìn giữ tiếng Việt cho con hay không?” bởi đây hoàn toàn là ý kiến cá nhân và lựa chọn của các phụ huynh. Nhưng 1 khi mình đã muốn dạy con biết nghe/nói/đọc/viết tiếng Việt được thành thạo thì hãy xác định đây là 1 hành trình dài, cần nhiều quyết tâm, kiên trì và nỗ lực.
1. Bố mẹ đồng lòng, cả nhà quyết tâm
Cần phải nhắc lại rằng dạy con tiếng Việt thực sự cần nhiều nỗ lực và đầu tư cả thời gian lẫn công sức. Mỗi ba mẹ sẽ có 1 mục tiêu khác nhau. Có thể với 1 số gia đình thì em bé bập bẹ được tiếng Việt chút chút và nghe hiểu tốt đã là rất ổn; có gia đình lại muốn con đọc được truyện tiếng Việt và vốn tiếng Việt đủ để giao tiếp với ông bà. Còn bố mẹ TT thì cho rằng: TT sinh ra ở TĐ, mặc định sẽ sử dụng tiếng Thuỵ Điển như người bản xứ, sau này đi học sẽ được học thêm tiếng Anh và ít nhất 1 ngoại ngữ khác đủ để dùng thành thạo (đến lúc đó con sẽ tự chọn theo ý thích, có thể là tiếng Tây Ban Nha, Pháp, BĐN, etc); vậy thì tại sao tiếng quê hương mình lại chỉ dừng ở mức bập bõm?
Xác định mục tiêu hướng dẫn cho Tí (và sau này là em San) đọc thông viết thạo tiếng Việt, từ việc đơn giản như khi nào sử dụng TR/CH, NGH/NG, G/GH, R/D/GI cho đến các cấu trúc ngữ pháp khó hơn, từ đó mà bố mẹ có thêm động lực cùng chung tay hỗ trợ con và lên kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.
2. Tạo môi trường tiếng Việt cho con
- Ở nhà thì chỉ dùng tiếng Việt: Nhà Tí Tũn có chút lợi thế là cả bố lẫn mẹ đều là người Việt nên việc thống nhất “chỉ dùng tiếng Việt khi ở nhà” được bố mẹ áp dụng triệt để. Việc này mang lại 2 lợi ích lớn: 1 là trẻ không bị loạn/lẫn khi nào được dùng tiếng Việt, khi nào được dùng tiếng TĐ; 2 là giúp con phát âm chuẩn. Thú thực là dù ở TĐ đến nay đã hơn 10 năm, bố mẹ TT làm việc bằng tiếng Anh và tiếng TĐ nhưng không tự tin về khả năng phát âm chuẩn được như người bản xứ. Sợ rằng vì phát âm sai mà khiến khả năng nghe/nói của con bị ảnh hưởng nên chúng mình thống nhất là cho con tiếp xúc với ngôn ngữ TĐ chuẩn từ trường học thay vì nghe theo bố mẹ.
Các bố mẹ cũng đừng lo rằng phản xạ tiếng Việt của con kém đi, hoặc nếu ở nhà chỉ dùng tiếng Việt thì tiếng TĐ của con sẽ kém – dẫn đến khó hoà nhập với các bạn ở lớp. Tí Tũn có 1 giai đoạn nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Thuỵ Điển nhưng giai đoạn đó qua đi khá nhanh, bé nhận biết được khi nào cần dùng ngôn ngữ nào. Thời gian đầu mới vào học cấp 1, Tí được cô khen về phát âm chuẩn nhưng cô có lưu ý bố mẹ về việc vốn từ tiếng TĐ của Tí chưa được phong phú như các bạn có bố mẹ TĐ nên bố TT đã trình bày với cô kế hoạch chỉ sử dụng tiếng Việt tại nhà. Bố TT cũng nhờ cô giải thích giúp Tí khi gặp từ mới trong sách song song với việc hướng dẫn Tí cách đọc sách hiệu quả khi ở trường. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của cô và bố mẹ mà sau 1 kỳ học, Tí được chuyển sang học sách tiếng TĐ ở cấp độ khó nhất cùng với 4-5 bạn khác. (Thay vì cả lớp học chung 1 cuốn sách thì ở trường Tí, sách toán và tiếng TĐ được chia thành 3-4 cấp độ tuỳ theo năng lực của từng bạn; mức độ khó tăng dần và bạn được đổi sang sách khó hơn nếu có tiến bộ trong học tập).
- Tranh thủ nói tiếng Việt với con càng nhiều càng tốt: thời gian 1 ngày của Tí ở trường là chủ yếu, đi học về cũng chỉ nghỉ ngơi tí chút rồi tập đàn, ăn cơm, tắm rửa rồi ngủ nên lúc nào mình cũng thấy thiếu thời gian nói chuyện với con. Mình dành thời gian đi bộ cùng con đến trường và cả thời gian xoa lưng ru chàng ngủ mỗi tối để tâm sự chuyện trường lớp hoặc kể những câu chuyện tưởng tượng. Tí Tũn thích thú lắm mỗi khi được mẹ kể chuyện (bịa) với nhân vật chính là Tí nhưng được đổi tên thành chuột Típ và chàng cũng hào hứng sáng tác thêm cho câu chuyện thêm phần hay ho (kiểu như chuyện Tí dậy muộn vì tối qua quên không bật đồng hồ báo thức sẽ được mẹ chế thành chuyện “Chuột Típ dậy muộn, đi học muộn”)
- Thường xuyên nói chuyện với ông bà và anh chị em họ qua ứng dụng đt: không có may mắn được sống gần ông bà như các bạn VN nên bố mẹ vẫn cho Tí gọi điện chat chit với ông bà nội ngoại hàng tuần, vừa để cập nhật tình hình ở nhà, vừa thắt chặt tình cảm ông bà với cháu mà khả năng nghe của Tí cũng tốt hơn hẳn. Nhờ nói chuyện với ông bà nội thường xuyên nên khi nào cần Tí cũng chuyển sang nói được giọng Nghệ An luôn 😀
- Cùng nhau xem phim, gameshow: trẻ con hiếm có bé nào không thích tivi, Tí Tũn nhà mình cũng thế. Nhưng Tí chỉ được xem khi có bố mẹ xem cùng để hạn chế việc con xem quá nhiều, hoặc xem nhầm các nội dung độc hại trá hình từ youtube. Từ hồi bé xíu được xem “Vừa đi vừa khóc” đến khi lớn được xem “Nhanh như chớp”, “Ký ức vui vẻ” hay nghe nhạc Đen Vâu, Da Lab, Hoàng Dũng, etc… nên Tí cải thiện được khả năng nghe hiểu và phân biệt giọng phổ thông với giọng địa phương.
- Đi chơi, giao lưu với các bạn nhỏ Việt Nam: Tí có mấy bạn nhỏ người Việt, cũng là con các bố mẹ Việt đang sống ở Stockholm như nhà Tí. Hội chúng mình đều mong con giữ được vốn tiếng Việt nên rất chăm cho các con gặp nhau vào mỗi cuối tuần. Luật “Chỉ sử dụng tiếng Việt” cũng được áp dụng đồng thời.
- Chăm về Việt Nam: về Việt Nam 1 tháng, khả năng nghe nói của Tí tăng nhanh gấp 5 lần so với ở Thuỵ Điển nên dù khó khăn cỡ nào, nhà mình cũng cố gắng cho con 1 năm đến 1 năm rưỡi được về VN 1 lần. Có môi trường để thực hành, có anh chị và các bạn nhỏ xung quanh nói chuyện tiếng Việt liên tục, ngôn ngữ được trẻ hoá thay vì cứ phải nói chuyện với người lớn như khi ở TĐ nên Tí phấn khởi lắm luôn 🙂
3. Dạy con đọc viết tiếng Việt hiệu quả
Nhà mình chính thức dạy tiếng Việt cho Tí khi cu cậu mới tròn 5 tuổi, thế là có vẻ muộn hơn các bạn ở VN 1 xíu. Đợt ấy còn nhiều ngày nghỉ parental leave chưa lấy hết nên bố TT dành ra 1 ngày/1 tuần nghỉ ở nhà để đưa Tí đi bơi và dạy tiếng Việt.
Bắt đầu từ bảng chữ cái đơn (A, Ă, Â, etc) đến phụ âm ghép (NG, NGH, TR, CH, etc). Mỗi ngày dạy 3-4 chữ và lặp đi lặp lại đến khi thuộc thì thôi. Bố TT viết toàn bộ bảng chữ cái lên 1 tấm bảng trắng rồi chơi cùng con như đố vui để tăng thêm phần hứng thú (kiểu như: “Đố Tí chữ C nằm ở đâu?”). Rồi sau đó, thay bảng bằng các vật dụng xung quanh như vỏ hộp sữa, vỏ hộp đồ chơi để đố con tìm chữ hoặc đếm xem có bao nhiêu chữ xuất hiện (ví dụ như: “Đố Tí có bao nhiêu chữ Ê xuất hiện trong tên mẹ Diệp”). Thay vì cố định 1 giờ học, chúng mình tranh thủ đố con lúc ngồi ăn sáng, khi đi trên tàu điện ngầm, lúc đi siêu thị nên con không có cảm giác mình đang phải học 1 thứ tẻ ngắt, ngược lại còn đòi mẹ đố liên tục hoặc tự nghĩ ra câu đố để đố lại mẹ.
Đến khi nhớ được bảng chữ cái, mình nhờ ông bà gửi sách tiếng Việt ở VN qua, bám sát cả sách giao khoa lẫn sách bài tập triệt để. Tí có cả vở tập tô giống các bạn ở VN nhưng bố mẹ không kỳ vọng gì ở vụ vở sạch chữ đẹp mà chỉ cần Tí biết viết là đủ. Chúng mình hi vọng sẽ duy trì được việc học tiếng Việt này cho Tí đến khi cu cậu hoàn thành hết sách tiếng Việt lớp 5. Biết là khó nhưng cả nhà sẽ cùng cố gắng.
4. Khơi dậy niềm yêu sách cho con
- Tí được làm quen với sách truyện từ rất sớm: 3-4 tháng tuổi mẹ bắt đầu giới thiệu sách vải cho bạn, đến 6 tháng lại được bác Hiền Ekeroth tặng 1 bộ sách thiếu nhi do bác sáng tác và được nxb Kim Đồng xuất bản rồi sau đó tủ sách của Tí cứ ngày 1 dày hơn, cho đến giờ cũng chiếm đến 1/3 tủ sách của gia đình. Thói quen đọc truyện trước khi ngủ được bố mẹ duy trì từ khi Tí mới 5-6 tháng tuổi đến tận bây giờ vẫn không thay đổi. Có thay đổi xíu xiu là giờ chàng biết đọc rồi nên thỉnh thoảng chàng lại đòi tự đọc cho bố mẹ nghe mà thôi. Trước khi sinh em San, mẹ cũng giao Tí Tũn vụ đọc truyện cho em nghe hàng ngày nên cu cậu phấn khởi và mong em lắm, chỉ mong em sớm ra đời để cậu được thực hiện trách nhiệm của 1 ông anh. Thế là giờ mẹ có thời gian nấu nướng, Tí lại bớt thời gian chơi ipad để đọc truyện cho em, em cũng có người chơi cùng, cả nhà cùng vui 😀
- Xây dựng tủ sách cho con: tủ sách của Tí khá phong phú với nhiều thể loại: truyện tranh (chuột Típ, Doraemon, etc), sách khoa học (về cơ thể người, về các hành tinh, các loài động thực vật), sách bản đồ và cờ các nước, etc nên con có thể lựa chọn sách đọc tuỳ theo tâm trạng. Sách cũng là món quà mình thường khuyến khích ông bà, cậu dì tặng cho Tí thay vì đồ chơi.
- Để con luôn ở trạng thái thèm đọc, đói sách: Rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình: hồi bé mẹ Tí toàn nhịn ăn sáng, 1 tuần mới mua đc 1 cuốn truyện nên lúc nào cũng nâng niu. Sau này đi làm có tiền nên bị bệnh mua nhiều sách 1 lúc; đọc nhanh, đọc vội, đọc xong không đọng lại hoặc nhớ được gì. Thế nên bây giờ mỗi lần về Việt Nam, mình đều mang rất nhiều sách cho cả bố mẹ lẫn con sang lại TĐ nhưng lại chỉ bỏ sách ra đọc rất dè sẻn. Mình không thưởng hay khích lệ mỗi khi con hoàn thành 1 cuốn sách mà ngược lại mình dùng sách làm phần thưởng mỗi khi con ngoan hoặc làm tốt một phần việc gì đó. Ví dụ: 1 tháng đi học ngoan, không muộn giờ bữa nào sẽ được tặng 1 cuốn Doraemon. Cũng nhờ đọc chậm, đọc kỹ nên TT để ý từng chi tiết của truyện và nhớ lâu, vốn từ cũng theo đó mà tăng nhanh.
- Làm gương cho con: sẽ khó mà giục con đọc sách được nếu bố cắm đầu vào laptop, mẹ thì tay cầm điện thoại lướt fb liên tục, nên bố mẹ phải làm gương trước. Đến giờ đọc sách là mỗi người 1 cuốn rồi chọn lấy 1 góc thật thoải mái để nhâm nhi 😛
Dạy con học tiếng Việt là 1 hành trình dài với cả bố mẹ và các con. Ngoài quyết tâm và kiên nhẫn còn cần có kế hoạch quản lý thời gian hiệu quả, nhất là khi ở nước ngoài bố mẹ phải tự lực tác chiến mà không có sự hỗ trợ của ông bà hoặc không có điều kiện để thuê thêm giúp việc. Bận bịu cả ngày đi làm đến tối mịt mờ mới về, tự tay phải chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm bẵm đứa lớn đứa nhỏ có thể khiến bố mẹ cảm thấy kiệt sức, nhưng cũng đừng vì thế mà sớm nản lòng nha. Thời gian bên con ngắn lắm, chỉ 14-15 tuổi thôi là con đã cần khoảng không gian riêng rồi 17-18t là vù bay ra khỏi nhà. Hãy tận dụng mọi lúc bên con nếu có thể, để dù kết quả có thế nào thì cũng không phải nuối tiếc vì những gì mình chưa làm hoặc chưa kịp làm.
Chúc các bố mẹ thành công với việc dạy tiếng Việt cho các con, đừng quên chia sẻ với nhà Tí về cách dạy con của các bố mẹ nha, chúng mình cùng nhau học hỏi ạ. Thả tim cho cả nhà <3
P/S: Nếu có băn khoăn tại sao Tí 5 tuổi mà bố Nguyên vẫn lấy được ngày nghỉ chăm con parental leave thì các bố mẹ có thể tham khảo bài viết “480 ngày nghỉ chăm con và chế độ thai sản tuyệt vời ở Thuỵ Điển” nhé!
1 comment
Nghe kiểu “bịa chuyện” và cách cả nhà cùng đọc sách thấy quen quen nhỉ D <3