1. Tí Tũn suýt bị liệt vào danh sách trẻ suy dinh dưỡng vì cận kề mức tiêu chuẩn của WHO: bạn dài có 47cm, nặng 2,690kg trong khi mức chuẩn thấp nhất của WHO là dài 46cm, nặng 2,6kg đối với bé trai. Nhẹ cân và thân nhiệt không ổn định nên bạn có dấu hiệu vàng da sinh lý. Bác sĩ nói nếu mức vàng da vượt ngưỡng cho phép, bạn có nguy cơ phải thay máu. Hết sức lo lắng nên bố mẹ Tí Tũn cố gắng thực hiện tất cả các phương pháp bác sĩ chỉ định:
-
- Cố gắng cho TT ti càng nhiều càng tốt. Khi sữa mẹ chưa về nhiều và TT bú chậm, bố mẹ cho bạn dùng thêm 20ml sữa Semper (1 loại sữa công thức phổ biến ở TĐ) như một món tráng miệng.
- Cố gắng cho TT output càng nhiều càng tốt. Việc tè và ị liên tục giúp đào thải bilirubin – 1 lượng lớn chất có trong máu làm cho da trẻ xuất hiện màu vàng
- Ấp kangaroo: Để kiểm soát, ổn định thân nhiệt cho TT, bố mẹ thay nhau ấp con trên ngực. Lưu ý đặc biệt của phương pháp này là: skin-to-skin 24/24 và càng kéo dài càng tốt, TT chỉ được phủ thêm 1 lớp khăn mỏng lên lưng để tránh gió lùa. Ngoài việc ổn định nhiệt độ, các bác sĩ còn cho biết thêm: phương pháp kangaroo giúp bố mẹ quan sát được cử động và nhịp thở của con, giảm cơn ngừng thở và ổn định nhịp tim; giúp bé giảm trật khớp háng do háng luôn ở tư thế dạng; bé ngủ yên tâm và ít khóc hơn..
Thật may vì sau 3 ngày, chỉ số vàng da của TT đã giảm và đi dần về mức ổn định, bác sĩ đã “cấp phép” cho gia đình TT xuất viện
2. Đúng như cô Trang Su miêu tả trong entry Kể chuyện bầu ở Thụy Điển – phần II, các bác sĩ đã có 1 màn chúc mừng mẹ con TT rất dễ thương với 1 khay sandwich, hot chocolate cho mẹ và kaffe cho bố, thêm 1 cái cờ Thụy Điển vừa to vừa xịn.. vì đói và mệt nên cả nhà TT đánh 1 hơi hết sạch. Có điều khách sạn bệnh viện, nơi được miêu tả là “có điện thoại, ti vi màn hình phẳng ngay trong phòng..” thì bố mẹ TT chưa được nếm qua, có lẽ phải hẹn lần sau (nếu mẹ TT còn đủ dũng cảm). Cả nhà TT lại tha lôi nhau về khu vực BB với rất nhiều bác sĩ và midwife xung quanh. Ở đây, bệnh vàng da của TT sẽ được theo dõi thường xuyên và chặt chẽ hơn; các midwife cũng sẽ xuất hiện ngay lập tức chỉ với 1 cái nhấn công tắc của mẹ TT
3. Trong khi bố mẹ TT phải chờ hàng tuần liền sau khi nộp hồ sơ mới nhận được số Personal number thì TT đã có ngay 4 số kỳ diệu đó khi cậu chàng mới được 1 ngày tuổi. Thông tin của TT được bệnh viện tự động khai báo với Skatteverket, và từ đây, TT đã được công nhận là 1 công dân 😀
4. Được miễn phí tiền sinh đẻ, thuốc men.. tất cả những gì bố mẹ TT phải chi trả chỉ bao gồm chi phí nằm viện sau sinh và chi phí đi lại. So với những dịch vụ được cung cấp thì phí nằm viện quả thật rất rẻ. Mẹ TT chỉ phải trả 80kr/ngày, bao gồm cả giặt là, ăn uống (5 bữa 1 ngày: sáng, trưa, trà bánh buổi chiều, tối, trà bánh đêm khuya), hóa đơn cho mẹ TT sẽ được gửi về nhà qua đường bưu điện. Bố TT thì trả 250kr/ngày, hóa đơn thanh toán tại viện. Tổng chi phí nằm viện 5 ngày cho cả nhà (trong đó 1 ngày nằm chờ sinh được free) là 1070kr, tính ra chỉ vào khoảng 3tr5 tiền việt . Chưa kịp hoan hỉ thì bố TT méo mặt với hóa đơn taxi đưa mẹ con về nhà. Ở Thụy Điển, taxi phân mức giá rất rõ ràng theo ngày và giờ, từ thứ 2- thứ 6 thấp hơn thứ 7- Chủ Nhật, từ 0h-7h sáng và 17h-21h cũng đắt hơn giờ hành chính, giá taxi vào ngày lễ còn cao hơn nữa. Tội nghiệp nhà TT, xuất viện đúng ngày 1/5 nên chịu mức cao nhất luôn, gần 700kr (2,3tr vnd) cho 17km từ viện về nhà. Mẹ TT thì cứ buốt hết cả ruột vì tiền taxi còn nhiều hơn tiền mua cái baby gym mà mẹ đã ngắm cho em từ lâu.
5. Mấy ngày lu bu ở bệnh viện làm mẹ TT quên khuấy lịch khám thai tuần 39, thấy có lỗi ghê, không biết midwife và cô thông dịch viên của mẹ có phải chờ đợi lâu không. Mẹ TT lập tức gọi đến MVC. Chưa kịp rối rít xin lỗi thì mẹ đã nghe chúc mừng từ midwife; hóa ra bà kiểm tra thông tin trên E-health nên biết cả ngày, giờ mẹ TT sinh em bé . Bà dặn mẹ TT gọi lại sau 6 tuần để xếp lịch khám sau sinh cho mẹ TT cũng như tư vấn các phương pháp tránh thai cần thiết (nếu mẹ có nhu cầu). Ngoài ra, bà còn hướng dẫn mẹ TT liên hệ với 1 BVC (phòng khám nhi) cũng thuộc Nacka forum để hẹn lịch khám tại nhà cho TT. 1 midwife khác thuộc BVC này sẽ đến thăm TT, kiểm tra và cung cấp 1 vài loại thuốc miễn phí cho em cùng với việc hướng dẫn bố mẹ cách chăm sóc, vệ sinh cho em hàng ngày (cách tắm; dưỡng da; vệ sinh mũi, miệng và rốn). Midwife mới này sẽ theo dõi tình hình sức khỏe của TT trong 5 năm đầu tiên và nhiệm vụ này tiếp tục được trao cho bác sĩ trường học khi TT bước vào lớp 1.
6. Nếu như ở VN, các em bé được tắm rửa sạch sẽ ngay khi ra khỏi bụng mẹ thì TT phải chờ đến 2 tuần mới được nhúng nước lần đầu tiên. Bà nội, bà ngoại của em thì cứ cuống quýt tít mù cả ngày chỉ với 1 câu hỏi: “Bao giờ cháu tôi được tắm”. Các bà cứ lo TT nóng bức khó chịu rồi khó ngủ, chậm lớn.. Thậm chí bà ngoại TT còn lấy dẫn chứng: bạn bà làm ở bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển nói ngày trước có chuyên gia từ Thụy Điển sang, họ cũng tắm cho trẻ con ngay sau khi sinh ra, hay là cái bệnh viện này làm ăn vớ vỉn :D. Đem thắc mắc ấy cho bác sĩ của TT, bà cười và nói: việc tắm cho trẻ sơ sinh như vậy được áp dụng ở TĐ từ 20-30 năm trước rồi. Nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng: tắm ngay cho trẻ là không cần thiết vì lớp nước ối còn sót lại trên người chính là 1 lớp bảo vệ cực tốt cho bé trong những ngày đầu tiên. Ngay cả chuyện quấn tã chặt cho bé khi ngủ để bé đỡ giật mình cũng bị bác sĩ phản đối. Đơn giản vì “giật mình” là biểu hiện rất bình thường của các bé sơ sinh. Nếu quấn chặt tã hoặc đắp quá nhiều lớp chăn/quần áo cho bé khi ngủ sẽ không những không tốt cho sự phát triển của bé mà còn có khả năng gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Tuần đầu tiên của Tí Tũn đã trôi qua như thế đấy, và mẹ cậu chàng cũng bắt đầu thời kỳ đầu bù tóc rối bê bối chưa từng có trong lịch sử 25 năm cuộc đời :((
Những câu chuyện hâm đơ của nhà Tí Tũn vẫn chưa dừng lại tại đây, để theo dõi tiếp phi vụ: “Tí Tũn suýt bị đổi tên thành Tí Táo” như thế nào, hay “Review những sản phẩm dành cho mẹ mang thai và chăm sóc con nhỏ của mẹ Tí Tũn” ra sao, mời các bác, các cô đón đọc những entry tiếp theo.