Hơn 2 năm sống ở Thụy Điển (TĐ), gia tài trong tay mình chẳng có gì ngoài những bức hình và kỷ niệm về những chuyến đi ngang dọc Châu Âu cùng ông xã.
Đã từng đến một Rome nhộn nhạo, người nhập cư đông hơn bản xứ, dè chừng khi bước vào metro bởi những ánh mắt soi mói không mấy thiện cảm… sợ cướp giật, sợ móc túi. Đã từng đến 1 Florence thơm phức mùi waffle khắp các con phố với cây cầu nhỏ Ponte Vecchio bắc ngang sông Arno, sáng lấp lánh bởi vàng và đá quý từ các cửa hiệu nữ trang dọc 2 bên cầu. Đã từng đến 1 Đức, 1 Phần Lan trong ngày mưa tuyết, vừa đi vừa run lập cập và chỉ muốn tìm 1 hàng chocolate nóng, hoặc 1 hàng xúc xích bán dạo để tan bớt cái giá rét của mùa đông. 1 Vienna, 1 Budapest, 1 Prague đẹp quá sức tưởng tượng, đi rồi lại tiếc vì sao chuyến đi chỉ kéo dài 10 ngày ngắn ngủi; còn quá nhiều thứ để xem, để ăn, để khám phá và để nhớ.. Và cả những TBN, BĐN lúc nào cũng nóng bỏng, nhiệt thành như chính con người ở đây vậy.
Thế mà có một người bạn lại nói với mình rằng: “Cứ đi đi, rồi em sẽ thấy không đâu bằng Stockholm, bằng Thụy Điển” (tất nhiên là không tính Việt Nam rồi). Mình biết, mọi sự so sánh đều chỉ mang tính tương đối, phụ thuộc vào hoàn cảnh, vào cảm nhận của từng người. Nhưng không hiểu sao, càng sống ở Thụy Điển, mới càng thấy lời nói ấy là đúng.
Với mình, Stockholm không chỉ là 1 thủ đô xanh mà mỗi kommun (quận) của nó đều được cấu thành bởi những hòn đảo, nước bao quanh và những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt. Stockholm còn là 1 trong những thành phố có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại và đẹp nhất thế giới; là nơi mà 1 nghĩa trang ( có tên Skogskyrkogården) cũng là di sản văn hóa thế giới. Stockholm là nơi mọi thứ đều có trật tự, kể cả đi mua bánh ngọt trong bakery hay mua thịt, xúc xích trong siêu thị cũng phải xếp hàng lấy số; là nơi mà những loại bánh truyền thống như Semla hay Kanel Bullar cũng có ngày hội riêng của nó.
Mời các bạn cùng theo dõi những trải nghiệm thú vị của mình ở thành phố xinh đẹp này nhé:
1. Semla – Không chỉ là 1 chiếc bánh
Khách du lịch đến Thụy Điển vào mùa đông có thể sẽ thất vọng khi thấy những gì được bày bán trong các cửa hàng bánh ngọt. Dạo qua các cửa hàng bánh, các quán cafe nhỏ, dường như hầu hết những gì người ta nhìn thấy qua cửa kính chỉ có duy nhất 1 thứ: Semla.
Semla là 1 loại bánh truyền thống của vùng Nordic, được làm từ bột mỳ, thơm nức hương nhục đậu khấu, giữa bánh là 1 lớp mỏng kem hạnh nhân và kem tươi béo ngậy. Thông thường, Semla được đặt trong 1 chiếc bát với sữa nóng, nhưng ngày nay, người dân TĐ bỏ qua bước này mà dùng trực tiếp với trà nóng hoặc cà phê. Semla được bày bán từ Noel đến trước lễ Phục Sinh, nhiều nhất trong ngày fettisdag (hay Shrove Tuesday, Fat Tuesday), được coi như bữa tiệc ăn mừng cuối cùng trước Mùa Chay (Lent) của đạo Thiên Chúa. Do đó, người ta lấy Fettisdags là ngày hội của Semla luôn. Theo thống kê, 1 trong những tiệm bakeries nổi tiếng nhất Stockholm có tên Vete Katten đã bán được đến 14 000 bánh semla trong ngày Fettisdags, 1 con số đáng kinh ngạc. Thậm chí, 1 tuần trước ngày Fettisdag, báo Metro (tờ nhật báo được phát miễn phí ở các bến metro Stockholm) còn có phong trào: ăn và chụp hình cùng semla, gửi nhận xét và giá bán, cửa hàng bán loại semla đó đến tòa soạn để nhận 200kr (tương đương khoảng 650-700k vnd).
Không bỏ lỡ cơ hội, mình cũng đến Gunnarsons Konditori, 1 tiệm bánh nổi tiếng gần trường để mua 1 chiếc lyxsemla. Khách mua bánh xếp hàng lấy số chật kín cả cửa hàng, phải 20-25′ chờ đợi mới đến lượt nhưng ai nấy đều hồ hởi, vui mừng, làm tự nhiên mình nhớ đến không khí xếp hàng mua giò, chả trước cửa tiệm Ước Lễ ở Hàng Bông mỗi dịp cận Tết. 36kr cho 1 chiếc bánh klassiska (classical semla) chỉ có kem tươi, 38kr cho 1 chiếc special semla với kem hạnh nhân đánh bông cùng kem tươi và 42kr cho 1 chiếc lyx (luxury) với phần kem hạnh nhân tách riêng với kem tươi mềm mịn.. không rẻ cho 1 chiếc bánh nhưng thực sự đáng để thử.
2. Wifi internet công cộng – giá 50kr/ giờ:
Chẳng có gì miễn phí ở Stockholm cả, từ nhà vệ sinh công cộng cho đến wifi. Nếu như để sử dụng dịch vụ ở các toilet công cộng, bạn phải trả khoảng 10kr (khoảng 30-35 000 vnd) cho 1 lần sử dụng mà bạn chẳng thể nào tìm được máy đổi tiền hoặc quầy thanh toán nào gần đó thì giá phải trả cho 1h dùng wifi là 50kr (khoảng hơn 150 000 vnd).
Bến tàu điện, quán cà phê, tiệm ăn đều cung cấp dịch vụ wifi – nhưng không miễn phí, dù cho bạn có mua bao nhiêu thứ, ăn bao nhiêu đồ từ cửa hàng đó. Tuy nhiên, có 1 tip cho các dân du lịch khi đến Stockholm: McDonald’s luôn có wifi miễn phí cho các bạn. Nếu muốn đi toilet? Chỉ cần cầm hóa đơn vừa mua đồ ở McDonald’s ra quầy thanh toán, bạn sẽ nhận đc 1 đồng xu đặc biệt để sử dụng cả toilet miễn phí ở đó, quá tiện phải không?Và nhớ là 1 số quán cafe và tiệm ăn nhỏ cũng có toilet miễn phí, nếu bạn cần
3. Stockholm và 84+ bảo tàng:
Mình nói “84+” bởi mình từng đọc 1 tài liệu du lịch Stockholm, trong đó thống kê 84 bảo tàng tại thành phố này, nhưng cô giáo dạy tiếng Thụy Điển ở lớp lại khẳng định chắc chắn với mình: con số ấy phải là 100. Mình không phải là một người thích bảo tàng, lúc nào cũng tự nhận là kẻ mù tịt về nghệ thuật và không đủ tinh tế để cảm nhận hết giá trị của nó. Thế nên khi đi du lịch, thay vì bỏ tiền xếp hàng vào bảo tàng, mình dành để thử các món ăn địa phương (thật là xôi thịt). Bảo tàng nước ngoài duy nhất mình cắn răng bỏ tiền mua vé là cung điện mùa hè Schönbrunn Palace ở Vienna. Và mình chưa từng nghĩ sẽ bỏ tiếp 2-300kr (khoảng 600-1000 000 vnd) để vào 1 bảo tàng nào đó ở 1 thành phố quá nhiều bảo tàng như Stockholm.
May mắn là khóa học tiếng TĐ mình đăng ký lại có nhiều chương trình ngoại khóa cực vui, trong đó có những buổi đi thăm bảo tàng thành phố với mức giá bằng 10-20% giá vé thông thường, quả là 1 món hời. Và 1 đứa chẳng biết gì về nghệ thuật, bảo tàng như mình cũng hào hứng xếp hàng vào Vasa Museum Polis museum. Hãy thử đi Skansen hay Nordic Museum 1 lần đi, bạn sẽ không hối tiếc đâu.
(Còn tiếp)
Mời bạn theo dõi: Những trải nghiệm thú vị khi đến Stockholm – Phần II
2 comments
Chị cho em hỏi về phương tiện giao thông di chuyển trong trung tâm Thụy Điển và các đảo được không ạ? EM sắp đi Thụy ĐIển ạ
Em cẳm ơn chị ạ
Em có thể đi lại bằng tàu điện ngầm (Tunnelbanan) hay buýt, tram hoặc là tàu nổi. Để mua vé, em có thể vào trang https://sl.se để xem giá vé và kiểm tra lịch trình đi lại. Đi ra đảo thì thường phải mua thêm về ở bến cảng. Chúc em có chuyến đi vui vẻ!