Những trải nghiệm thú vị khi đến Stockholm – Phần III

by Diep Nguyen

1. Fika

Cũng giống như Việt Nam, cà phê mang một dấu ấn đậm nét trong văn hoá Thuỵ Điển. Fika gắn liền với cuộc sống người Thuỵ Điển bằng nhiều cách khác nhau.

Bánh cupcake phô mai – mẹ Tí Tũn chuẩn bị cho fika ở công ty

Fika thường được dịch đơn giản là “”a coffee and cake break”, là 15-20’ nghỉ giải lao giữa giờ để nhấm nháp chút cà phê, ăn chút bánh nướng (mà thường là kanelbullar – 1 loại bánh mì cuộn tròn với đường hạt nâu và quế nướng truyền thống) cùng đồng nghiệp.

Trước khi đi du học, mình đã đọc rất nhiều các bài báo khác nhau về bất đồng trong văn hoá Á-Âu; những chủ đề gì nên và không nên đề cập đến khi nói chuyện với người nước ngoài bao gồm cả  tuổi tác, gia đình, blah blah… Nhưng người Thuỵ Điển có lẽ nằm ngoài phạm vi những bài viết đó. Nhờ có fika mà mình mới biết nhỏ đồng nghiệp ngồi cạnh cũng khoái xem Horoscope và cực kỳ tò mò về tử vi, tính tuổi theo 12 con giáp kiểu Á Đông; hay anh CEO nhà 4 đứa con có kinh nghiệm đầy mình trong việc chăm sóc trẻ bị ốm hoặc bà sales già không thích vướng bận chồng con nên chỉ thích chăm sóc và đi du lịch cùng con chó fox 12 tuổi. Nhờ có fika, mình dần nhận ra người Thuỵ Điển chẳng lạnh lùng như vẻ bề ngoài; ngược lại, họ có phần hay “xấu hổ” và khép mình với người lạ; nhưng 1 khi đã quen thân rồi thì mới thấy họ ấm áp, nhiệt tình và tốt bụng vô cùng 🙂

2. Nghệ thuật xếp hàng kiểu Thuỵ Điển

Bất kể người già 70 tuổi hay trẻ con 3-4 tuổi ở Thuỵ Điển đều quen thuộc với 1 nét văn hoá có tên là “xếp hàng”. Trẻ con thì ôm đĩa xếp hàng chờ cô giáo lấy thức ăn, xếp hàng chờ đến lượt được chơi món đồ yêu thích. Người lớn thì xếp hàng từ việc mua bánh mì trong siêu thị cho đến việc làm giấy tờ thủ tục hành chính ở các cơ quan nhà nước. Đâu đâu cũng thấy máy bấm tích kê (nummerlappar) báo số thứ tự, thậm chí 1 số máy hiện đại còn báo thời gian đợi trung bình ( 15’ hay 1-2 tiếng sẽ đến lượt) để người xếp hàng chủ động được thời gian (ví dụ tranh thủ chạy đi mua ly cà phê, chiếc croissant ăn sáng, hoặc lâu quá thì lượn lờ shopping gần đó trong lúc đợi). Thậm chí gọi điện đến các sở bảo hiểm, bệnh viện, người ta cũng thường nghe được số thứ tự xếp hàng từ hệ thống trả lời tự động cùng khoảng thời gian bạn nhận được trả lời từ tư vấn viên của tổng đài.

Tự giác xếp hàng chờ xe bus – Ảnh: internet

3. Gia đình là số 1

Dù có làm gì hay ở đâu, người Thuỵ Điển cũng luôn coi gia đình là số 1, là thứ quan trọng nhất, thậm chí hơn cả công việc. Phải về sớm đưa con đi khám răng ư? Chẳng sao cả, chẳng ai phàn nàn vì chuyện bạn dự bữa sáng cùng các phụ huynh khác trong lớp mẫu giáo nhỡ của con nên không tham gia được 1 cuộc họp giao ban. Trừ khi bạn làm việc trong ngành dịch vụ (nhà hàng, beauty salon, vv…) hay ngân hàng, cơ quan chính phủ; còn không thì giờ làm việc cũng có thể được sắp xếp linh hoạt (ví dụ từ 7-15h hoặc 10-18h thay vì 9-17h như bình thường) để bố mẹ phân công người đưa kẻ đón con đi nhà trẻ. Đừng nói đến nhân viên quèn như mình, ngay cả anh CEO nơi mình từng làm việc luôn rời công ty đúng 4h kém 15 để kịp về đón 4 đứa con. Chuyện anh chàng thường xuyên phải làm việc từ nhà để chăm con ốm, vợ ốm cũng chẳng phải điều gì đáng ngạc nhiên ở công ty. Những người có trách nhiệm với gia đình, họ không mang cái “title” ra để biện minh cho cho sự bận rộn hay sự thiếu chu toàn với con cái và bạn đời của họ.

Các ông bố Thuỵ Điển vừa chăm con, vừa nấu nướng
Ảnh: Internet

Khác với Mỹ và 1 số nước Châu Á, nhịp độ làm việc nhanh, mạnh, khẩn trương; đã làm là chối chết, là quên ăn quên ngủ, hay nói vui là “làm hết sức, chơi hết mình”; người Thuỵ Điển vẫn đưa “LAGOM” lên như 1 chân lý, 1 lẽ sống: “just the right amount”, “just enough” – “đủ là được”.
Không chỉ làm đúng 8h/ngày (trong đó ở khá nhiều công ty, 8h công sở đã bao gồm 1h nghỉ ăn trưa), người lao động ở Thuỵ Điển còn được hưởng trung bình 25-30 ngày nghỉ phép 1 năm hưởng nguyên lương (cộng thêm chút tiền nhỏ để động viên gia đình đi du lịch). Với gia đình có con nhỏ, bố và mẹ có thêm 480 ngày nghỉ chăm con, có thể lấy hết 1 lúc hoặc chia nhỏ thành nhiều đợt từ khi con mới sinh đến lúc tròn 8 tuổi (mình sẽ đề cập đến chế độ riêng cho gia đình có con nhỏ ở bài viết sau). Cũng chính vì vậy mà thay vì mệt nhoài từ sáng đến tối mịt ở công ty, chẳng còn hơi sức đâu chăm chút con cái thì bố mẹ Thuỵ Điển lại có 1 quỹ thời gian rất lớn để đưa đón, cùng con tham gia sinh hoạt ngoại khoá, cùng làm bánh ngọt và dạy con sửa chữa đồ đạc trong nhà hoặc lên kế hoạch du lịch cho cả nhà trong suốt những kỳ nghỉ dài, từ Lễ phục sinh đến nghỉ hè, nghỉ thu, nghỉ Giáng sinh-năm mới.
Chất lượng cuộc sống nâng cao, chế độ làm việc-tập luyện-nghỉ ngơi tương đối cân bằng và hợp lý nhờ có những chính sách hỗ trợ của chính phủ, không ngạc nhiên khi Thuỵ Điển luôn nằm trong top đầu những nước đáng sống nhất Thế giới

(Còn tiếp)

Mời bạn theo dõi:

NHỮNG TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ KHI ĐẾN STOCKHOLM – PHẦN I

NHỮNG TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ KHI ĐẾN STOCKHOLM – PHẦN II

Có thể bạn sẽ thích

Leave a Comment

css.php