Táo bón, nôn trớ nhiều, thường xuyên đi ngoài phân lỏng /tiêu chảy (có thể có ít máu trong phân), chậm tăng cân và tăng trưởng không đạt mức bình thường, quấy khóc thường xuyên… Thông thường, khi gặp một trong các triệu chứng trên, các mẹ chỉ nghĩ: có thể con không hợp sữa, đường ruột không ổn định, ăn thiếu chất xơ, thậm chí là thiếu canxi/thiếu máu.. Nhưng các mẹ quên rằng có 1 căn bệnh ít khi được nhắc tới nhưng đến 15% trẻ em ở Việt Nam mắc phải (tuỳ mức độ nặng nhẹ), đó là bệnh DỊ ỨNG PROTEIN SỮA BÒ
Đã lâu lắm rồi mẹ Tí Tũn không update tình hình ăn dặm của con mình. Kể chuyện gì đây, về một em bé ăn và trớ liên tục như vòi rồng ngày 5-6 lần từ khi 3 tháng đến tròn 1 tuổi; ăn bao nhiêu phun hết bấy nhiêu? Hay 1 em bé 2-3 tháng cân nặng không nhúc nhích, hay quấy đêm không rõ nguyên nhân (ko phải do thèm ti, đói ăn)? Nhưng sốt ruột đến mấy, đưa con đi khám bệnh viện đến bao nhiêu lần, cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ bác sĩ ” Bé lớn sẽ tự khỏi”. Triết lý chữa bệnh kiểu để bệnh khỏi tự nhiên mà không dùng thuốc, hạn chế tối đa việc dùng kháng sinh, không kê thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi trừ trường hợp đặc biệt… của Thuỵ Điển khá hay. Nhưng đôi khi lại tiềm ẩn sự chủ quan chết người.
Trải qua 9 tháng luôn cho con ăn trong trạng thái cầm chừng, hồi hộp, chỉ sợ đụng nhẹ vào bụng là con có thể ọc ra toàn bộ sữa bất cứ lúc nào (kể cả do bú mẹ hay bú bình), mẹ Tí Tũn thực sự mệt mỏi và cảm thấy vô vọng. Chụp X-quang không cho thấy bé bị hẹp môn vị, soi dạ dày không thấy bé bị trào ngược thực quản. Chỉ ói liên tục không rõ nguyên nhân, nhưng có lẽ do bất đồng ngôn ngữ nên các bác sĩ không thấy được sự trầm trọng của tình trạng TT đang gặp phải. Việc TT tăng cân chậm cũng chỉ được giải thích 1 cách đơn giản: người Châu Á form nhỏ nên chắc di truyền từ mẹ sang con. Chỉ cho đến khi chuyển sang kommun (quận) khác sống, thay bác sĩ và midwife, tình trạng của TT mới được lưu ý nhiều hơn. 1 loạt các xét nghiệm được thực hiện với tổng cộng 15 ống máu trong vòng 1 tuần khiến bố mẹ xót xa… Con bé tí như cây kẹo mút dở, 1 giọt máu cũng do ăn bao nhiêu cơm gạo mà thành.. trong khi ở đây là 15 ống máu!
Và kết quả là: TT có 1 đoạn gen đặc biệt, 50% những người mang gen này mắc bệnh dị ứng protein sữa bò. Đây cũng là nguyên nhân gây trớ trong thời gian dài và khiến con chậm tăng cân. Nếu tiếp tục cho con sử dụng sữa bò hoặc các chế phẩm từ sữa bò thì dạ dày của con sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Vậy Dị ứng Protein trong sữa bò là gì? Tại sao và làm cách nào khắc phục căn bệnh này? Rất may mắn, mẹ Tí Tũn đã được tham gia 1 khoá training ngắn hạn về căn bệnh này cùng với chuyên gia dinh dưỡng của bệnh viện nhi Karolinska để hiểu rõ hơn và tìm hướng xử lý phù hợp nhất với em bé của mình. Mẹ TT xin được chia sẻ cùng các mẹ những kiến thức đã lĩnh hội được trong thời gian qua nhé:
1. Dị ứng sữa bò là gì:
Trước tiên cần phải phân biệt “Dị ứng protein trong sữa bò” với tình trạng “bất dung nạp Lactose”. Bất dung nạp Lactose xảy ra khi cơ thể mất khả năng tiêu hóa Lactose – một loại đường có trong sữa. Còn dị ứng với sữa bò là tình trạng hệ miễn dịch trong cơ thể của trẻ “tấn công” một cách bất thường những thành phần protein đã được định lượng một cách chuẩn mực trong thành phần của sữa dành cho trẻ, gây ra phản ứng dị ứng.
Phản ứng dị ứng xảy ra như thế nào?
- Phản ứng dị ứng nhanh: ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ và ngứa (chàm eczema), mặt sưng phù, hay nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân. Có những trẻ nhạy cảm với sữa đến mức chỉ dùng khăn có dính sữa lau miệng hay uống chung ly của trẻ khác có dính ít sữa còn sót lại cũng gây nên phản ứng dị ứng.
- Phản ứng dị ứng chậm:trẻ bứt rứt khó chịu, quấy khóc thường xuyên, ói mửa, đau bụng, đi cầu phân lỏng (có thể có ít máu trong phân), chậm tăng cân và tăng trưởng không đạt mức bình thường.
Làm thế nào để chắc chắn con mình có bị dị ứng sữa bò hay không?
- Không thể chuẩn đoán chỉ dựa trên triệu chứng bên ngoài do những biểu hiện đó cũng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác
- Cách tốt nhất là thử máu để thử dị ứng
- Ngoài ra, có thể xét nghiệm phân hoặc thử phản ứng dị ứng trên da bằng cách tiêm protein có trong sữa bò vào dưới da để tạo ra phản ứng miễn dịch
Sự thực là nếu không xét nghiệm thật kỹ, sẽ dẫn đến việc chuẩn đoán nhầm bệnh khiến cho bé không được chữa trị kịp thời, gây ảnh hưởng lâu dài đến hệ tiêu hoá của trẻ. Như trường hợp của bé Tí Tũn, thời gian đầu bú mẹ thường xuyên bị trớ nhưng lại được chuẩn đoán là lượng ăn quá nhiều, không phù hợp với dạ dày nhỏ (trong khi các bé ti mẹ trực tiếp thường tự biết ngưng khi ăn đã đủ lượng). Đến lúc bị phát ban, chàm eczema ngứa gãi khắp người, miệng đỏ và ngứa liên tục 4 tháng liền thì lại được chuẩn đoán là: do gene Châu Á không phù hợp với điều kiện thời tiết của Bắc Âu. Mùa đông thời tiết lạnh và khô khiến làn da mỏng manh của bé không thích ứng kịp. Vậy là thay vì được lên 1 thực đơn riêng cho trẻ dị ứng sữa bò thì bé con lại phải chia nhỏ bữa ăn để chống trớ, dùng kem bôi dưỡng da đặc trị với chàm eczema T-T
2. Nguyên tắc điều trị:
Dị ứng protein trong sữa bò không có phương pháp điều trị dứt điểm, chỉ có cách duy nhất là tránh tác nhân gây dị ứng và thay đổi lối sống. 1 số loại thuốc sẽ được bác sĩ kê đơn trong trường hợp trẻ bị phản ứng phản vệ cấp tính
Tránh các tác nhân gây dị ứng như thế nào?
- Ngưng sử dụng sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò (kem tươi, váng sữa, sữa chua, bơ động vật, bánh hoặc kẹo chocolate và tất cả các sản phẩm có chứa sữa trong thành phần nguyên liệu)
- Nếu bé bú mẹ, mẹ tuyệt đối không sử dụng sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò như đã kể trên (do protein trong sữa bò có thể đi vào sữa mẹ)
- Trẻ bị dị ứng protein sữa bò ở thể nhẹ, có thể dùng sữa dê thay thế. Tuy nhiên phần lớn trẻ cũng bị dị ứng protein trong sữa dê và trứng gà. Do đó nếu thay thế bằng sữa dê trong 2 tháng mà các triệu chứng không thay đổi, cần chuyển sang sử dụng sản phẩm khác
- Sử dụng sản phẩm thay thể trong ít nhất 6 tháng, có thể kéo dài 2-3 năm. Do đó 1 năm nên đi kiểm tra 2 lần để xem trẻ đã dung nạp được sữa bò hay chưa
3. Thực đơn nào cho trẻ dị ứng sữa bò?
Nghe đến chuyện ngưng dùng sữa bò, mẹ TT chỉ biết kêu trời!! Hix, TT chỉ thích uống sữa, riêng sữa tươi thì uống bao nhiêu cũng được. Cu cậu cực khoái bánh cupcake mẹ làm cùng kem tươi, và sữa chua 10% chất béo của Hy Lạp; mỳ ý sốt kem cá hồi cũng là món gây nghiện với cậu chàng nữa… giờ loại hết cả sữa tươi, kem tươi, bơ.. thì ăn cái gì????????????? Nếu bất dung nạp Lactose chỉ đơn giản là dử dụng sp lactose-free (sữa bò tươi đã tách bỏ lactose) thì dị ứng protein sữa bò phức tạp hơn rất rất nhiều
Bày tỏ lo lắng cùng chuyên gia dinh dưỡng, mẹ TT đã nhận được 1 danh sách các sản phẩm milkfree (không chứa sữa) cực đa dạng và phong phú, hãy cùng mẹ TT lên list nhé:
- Sử dụng sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa dừa, sữa đậu xanh.. nói chung là sữa có nguồn gốc thực vật – từ các loại hạt hoặc các sp có ghi ngoài nhãn là Non-dairy. Có thể sử dụng sữa gạo với trẻ từ 6 tuổi. Theo khuyến cáo của chuyên gia Thuỵ Điển, sữa gạo và các sp từ gạo thường chứa nhiều chất asen không tốt cho sức khoẻ trẻ nhỏ, nên hạn chế được nhiều càng tốt
- Thay thế kem tươi whipping cream trong làm bánh bằng kem tươi có gốc đậu nành hoặc gạo. Thay thế bơ động vật bằng bơ thực vật
- Thay thế sữa tươi, sữa công thức, bột ăn dặm thông thường bằng välling yến mạch milkfree và bột milkfree dành riêng cho trẻ dị ứng
- Sử dụng kem đậu nành hoặc kem sorbet với thành phần 100% trái cây tự nhiên thay cho kem sữa tươi thông thường
Các sản phẩm milkfree ngày càng đa dạng và phong phú. Chỉ cần để ý 1 chút thôi, các mẹ có thể tìm được sản phẩm phù hợp cho bé mà không phải lo lắng nhiều đến tình trạng sức khoẻ nữa. Từ ngày đổi sữa tươi sang dùng sữa välling cho trẻ dị ứng của Semper, kết hợp cùng các sp milkfree khác, trộm vía đường tăng trưởng của TT đã có dấu hiệu tích cực rõ rệt. Biết là sp milkfree thì luôn đắt hơn các sp thông thường, nhưng vì sức khoẻ, vì tương lai của con mà bố mẹ phải sống chung với lũ thôi. Hi vọng tình trạng này sớm chấm dứt để TT lại được uống sữa tươi thơm ngon và sữa chua bò béo ngậy. Mong là thế!
Và có 1 lưu ý cực quan trọng: Nếu trong 3 tháng bé không tăng cân (100g vẫn tính là tăng cân nhé), trong khi trẻ không ốm sốt, không mọc răng.. thì dứt khoát phải đi kiểm tra bác sĩ thật cẩn thận! Các mẹ nhớ nhé!
(Ảnh nguồn: Internet)
11 comments
Chào chị, cho mình hỏi tại sao bú mẹ vẫn bị eczema da ? Mình bôi thuốc vẫn bị và chảy nước. Mong chia sẻ của chị
Chào bạn, dị ứng sữa bò chỉ là 1 trong những nguyên nhân gây chàm ngứa eczema thôi nhé. Bệnh này có thể nguyên nhân do di truyền, rối loạn nội tiết, rối loạn chức năng nội tạng, etc. Nếu bé dị ứng sữa bò – chỉ bú mẹ nhưng mẹ dùng các chế phẩm từ sữa bò thì bé có thể vẫn bị như thường. Nếu bé bị nặng, bạn nên cho đi khám bác sĩ để có phác đồ điều trị thích hợp nha.
Hi chị. Bé nhà e hiện tại được hơn 6 tháng. Bé đi phân lỏng ra máu, ngày đi 3-4 lần (hiện tại thì hết ra máu rồi ạ nhưng vẫn đi nhiều), bs chuẩn đoán bé bị dị ứng đạm sữa bò. Em đã kiêng triệt để các tp chứa sữa và bò. Bé đang trong thời gian ăn dặm. Chị có thể gợi ý thực đơn của TT hồi xưa được không ạ cũng như các loại bánh ăn dặm cho bé. Em cám ơn chị. Chúc chị và bé và gđ luôn khoẻ mạnh.
Chào bạn,
Xin lỗi vì mình đọc được comment của bạn hơi trễ. Đối với các bé dị ứng đạm sữa bò thì bạn lưu ý kiêng triệt để các chế phẩm từ sữa bò, bao gồm cả bơ, sữa chua, phô mai, váng sữa, kem nhé.
Sữa bò chỉ là 1 trong các nguồn thức ăn giàu canxi thôi, để bổ sung canxi cho bé, mình tăng cường cho bé bú sữa mẹ (do đặc thù công việc nên mình vắt sữa để bé ti bình cho chủ động).
Nếu mẹ ít sữa hoặc ngừng cho ti thì bạn có thể sử dụng các loại sữa hạt thay thế, sữa nhà làm là tốt nhất nhé. Hạn chế cho bé uống sữa từ đậu nành hoặc sữa gạo (do gạo chứa nhiều asen). Bên mình thì rất sẵn các loại sữa hạt như sữa yến mạch, sữa hạt điều, sữa hạnh nhân. Mình dùng chính các loại sữa này để làm pudding và bánh flan với trứng cho con ăn bổ sung luôn. (Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nếu bé bị dị ứng các loại hạt)
Ngoài ra, tích cực bổ sung cá (bên mình thì chủ yếu cho ăn cá hồi) và các loại rau, thực phẩm giàu canxi như: đậu phụ, cải xoăn kale, bông cải xanh broccoli, cam quýt, đậu bắp, đậu cô ve..
Bác sĩ bên mình không khuyên dùng gạo cho các bé dưới 1 tuổi nên thức ăn dặm cho con mình làm pasta, khoai tây nghiền rau củ là chủ yếu (khoai tây luộc mềm, nghiền nhuyễn và trộn chút dầu ô liu thay vì trộn bơ và whipping cream như thông thường).
Đến 2 tuổi, đi khám lại là Tí Tũn nhà mình đã hết dị ứng sữa bò rồi nên lại quay về chế độ ăn thông thường. Do đó bạn cũng lưu ý cho bé đi khám lại định kỳ để theo dõi tình trạng dị ứng nhé.
Chao ban. Be minh dang theo doi di ung sua bo. Be duoc 4 thang. Minh dang lo cac thuc an dam cua be. O viet nam minh dang tim hieu, nhung van so. Ban co the gui cho minh xem hinh cac thuc pham ban chon cho con ban dc khong. Cam on
Chào Le Linh,
Bạn có thể tham khảo phần mình vừa trả lời bạn Thanh Nga ở phía trên nhé.
Mình không ở Việt Nam nên các sản phẩm bên mình hơi khó để tìm ở Việt Nam. Tuy nhiên mình cũng chủ yếu cho bé ti sữa mẹ và dùng sữa hạt nhà làm thôi, không có gì đặc biệt cả. Ngoài ra, mình dùng sữa hạt để làm các loại pudding có sốt dâu tây hoặc bánh flan với trứng cho bé ăn bổ sung đạm và canxi; dùng khoai tây, khoai lang, pasta thay cho gạo (do gạo chứa nhiều asen). Hạt lúa mì bulgur cũng là 1 thực phẩm giàu dinh dưỡng mà các mẹ có thể tham khảo.
Nói chung, bé có thể ăn dặm bình thường như các bé khác, chỉ cần lưu ý khi chế biến thực phẩm, bố mẹ thay sữa bò bằng sữa hạt; thay bơ từ sữa bò bằng bơ từ đậu nành hoặc dầu ôliu (khi chế biến đồ măn), chịu khó đọc thành phần của các loại thực phẩm chế biến sẵn xem có chứa sữa hoặc casein không thì loại bỏ thôi.
Tình trạng dị ứng sữa bò của con có thể hết sau 1 hoặc 2 tuổi nên bạn cố gắng cho bé đi khám định kỳ để theo dõi nhé.
chào c! e là mẹ của cặp sinh đôi nay đc 8m27d ạh. hai bé nhà e sinh ở tuần thứ 36 ,uống sctht vì e mất sữa ạh.lúc 4 tháng đầu hai bé đều tăng cân bt,đi ngoài ngày 2-3 lần,từ tháng thứ 5 bé đi ngoài nhiều,ngày 7-8 lần,phân lỏng,nhầy,có bọt,đôi khi mùi chua hoặc tanh.e đưa hai bé đi khám nhi đồng mấy lần,bs đều bảo bé bị rối loạn tiêu hoá,kê toa thuốc và cho uống men vi sinh,tình hình vẫn không cải thiện.e đi soi phân thì trong phân vi khuẩn âm,chỉ có bạch cầu dương 1+,tức là trong phân có máu,bs lại phán hai bé bị dị ứng protein đạm bò/ bất dung nạp đường lactose.sau đó hai bé được kê sữa đặc trị cho bé dị ứng đạm bò -không đường lactose là similac alimentum,e cho hai bé uống tầm 4 ngày thì thấy phân sệt hơn,số lần đi cũng giảm một nửa,chỉ còn 3-4 lần một ngày.bé uống được 2 tháng,bs hẹn tái khám test thử dung nạp đạm bò qua da và môi( qua da thì bs dùng kim tiêm đâm vào tay bé và bôi sữa có đạm bò / đường lactose lên đó,trên môi bé cũng thoa một lớp sữa),chờ 90phút bs kiểm tra kết quả,và bs thông báo hai bé e có thể bắt đầu cho tập dung nạp sữa có protein đạm bò với tỷ lệ là 25% trên tổng sữa bé uống trong 24h với thời gian 7-14 ngày. e cho bé uống như bs chỉ định thấy bé đi ngày 4-5 lần phân lỏng nước,có nhầy có mùi hơi tanh,đặc biệt bé thường đi sau ăn tầm 30 phút.chế độ ăn dặm thì bs kêu chỉ đc cho ăn bột với rau củ nghiền nhuyễn.chị có thể tư vấn giúp e chế độ ăn dặm và cách dung nạp lại sữa thường cho bé đc k ạh,e thấy theo cách bs bé đi ngoài nhiều quá. chúc c và gia đình luôn mạnh khoẻ,bình an.
Chào em!
Không hiểu sao chị không thấy notification về comment của em nên giờ mới tình cờ đọc được và phản hổi ngay, không biết tình hình 2 bé nhà em đã tiến triển hơn chưa?
Khi đã đi khám rồi thì em nên nghe theo chỉ thị của bác sĩ nha, có thể bé cần thời gian để thích ứng lại với sữa. Em có thể thêm từ từ mỗi ngày 1 xíu sữa vào khẩu phần ăn của bé để nghe ngóng tình hình xem sao trước khi cho bé ăn số lượng lớn hơn. Hồi Tí Tũn nhà chị bắt đầu dung nạp lại sữa thường, chị nâng dần số lượng sữa mỗi ngày, vừa thử vừa hồi hộp xem kết quả. Ngày đầu chỉ dám cho 20-30ml, ko bị xì xoẹt với lên chàm eczema nữa thì chị tăng lên 50ml rồi hôm sau nữa là 80-100ml.
Chế độ ăn dặm thì Tí Tũn không chịu ăn cháo/bột nên chị cho ăn cá, thịt nạc, tôm như bình thường chứ nếu ăn mỗi bột và rau củ thì e là không đủ chất em ạ.
Chị ơi, nếu bé không ăn sữa chua làm từ sữa bò, thì mình có thể cho bé ăn sữa chua nào được chị nhỉ. Cám ơn chị.
Hi mom cho mình hỏi bé nhà mình cũng dị ứng vs đạm sữa bò, v thực đơn khi cho bé ăn dặm từ 5-6 tháng là như thế nào vậy ạ ???
mua những sản phẩm đó ở đâu vậy ạ